Nắm bắt cơ hội
Theo các chuyên gia, năm 2013 nền kinh tế Việt Nam đan xen cả thách thức và cơ hội, song những yếu tố như sức mua giảm, hàng tồn kho, nợ xấu tăng, lãi suất cao, DN thiếu vốn… sẽ được cải thiện hơn năm ngoái.
Phát biểu tại Hội thảo “Chia sẻ cơ hội đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng” do CTCK FLC (FLCS) tổ chức ngày 7/3 tại TP. HCM, chuyên gia tài chính – ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho biết, thị trường bất động sản sẽ có thể tăng thanh khoản bắt đầu từ quý III và có dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn vào quý IV/2013. Tuy nhiên, những khoản nợ lớn về bất động sản vẫn chưa xử lý được do thị trường nợ kém phát triển. Vì vậy, theo ông Nghĩa, thị trường bất động sản có thể chỉ phục hồi vững chắc hơn vào năm 2014, đặc biệt là với phân khúc thị trường cao cấp còn chậm hơn.
Ông Nghĩa khuyến nghị, để thúc đẩy sự phục hồi của thị trường, ngoài các yếu tố vĩ mô, Chính phủ cũng cần tăng cường các biện pháp cụ thể như: tài trợ mua nhà với kỳ hạn dài và lãi suất thấp, giữ nguyên nguyên tắc thị trường với những thuế suất thấp và cải thiện thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai, sổ đỏ, thanh lý tài sản, cho phép Việt kiều và người nước ngoài được mua nhà…
Với TTCK, ông Nghĩa nhận định, có thể sẽ phải đối diện với một giai đoạn cầm cự, tăng trưởng khiêm tốn và điều chỉnh nhẹ từ nay đến giữa năm và có dấu hiệu phục hồi ổn định hơn vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng có thể chưa đủ lớn để VN-Index vượt mốc 600 điểm vào quý IV/2013. TTCK sẽ hồi phục rõ ràng hơn vào năm 2014, nếu không có các cú sốc vĩ mô xảy ra.
Trong khi đó, dự báo về chứng khoán trong năm 2013, ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc FLCS cho rằng, thị trường năm nay sẽ có nhiều đợt sóng lớn. Theo ông Thắng, từ nửa cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, đã có những con sóng cỡ vừa diễn ra. Nhiều nhà đầu tư nhanh nhạy đã nắm bắt được các cơ hội này để lướt sóng và thu được lợi nhuận lớn. Với tình hình kinh tế hiện nay, 2013 sẽ là năm của những con sóng lớn trên TTCK.
“Về cơ bản, TTCK năm 2012 đã chạm đáy, nên trong dài hạn, xu hướng chung sẽ là đi lên, cho dù sự đi lên ấy mạnh hay yếu phụ thuộc vào những biến động vĩ mô. Cụ thể ở đây là sự hình thành và hiệu quả hoạt động của Công ty xử lý nợ xấu (VAMC), hiệu quả trên thực tế của một số chính sách đã công bố”, ông Thắng nói và nhận định thêm, nền kinh tế bắt đầu thực hiện tái cấu trúc, những DN yếu kém đã và đang bị đào thải, còn các DN có tiềm lực vẫn đang tiếp tục được hưởng lợi. Về tổng quan, nền kinh tế đang ấm dần lên với những tín hiệu khả quan.
Thách thức vẫn chực chờ
Nhận định kém lạc quan hơn, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, một bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa kèm theo nhiều lo lắng kéo dài cả năm 2012 và bước sang năm 2013. Cụ thể, nguy cơ lạm phát cao quay trở lại kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình kinh tế thêm khó khăn. CPI 2 tháng đầu năm 2013 đã tăng 2,59%. Tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn còn khó khăn, 2 tháng qua, tín dụng của toàn ngành ngân hàng vẫn âm 0,16%, trong khi nguồn vốn huy động tăng.
Trong khi đó, khả năng kéo lãi suất cho vay xuống tiếp là không nhiều, chưa đáp ứng được mức kỳ vọng của DN, do sự kém hiệu quả trong hoạt động của hệ thống NHTM. Nếu lạm phát kỳ vọng năm nay khoảng 7 – 8%, thì lãi suất vay theo lãi huy động phổ biến hiện nay vẫn còn cao. Với mức lãi suất như vậy, ông Lịch cho rằng, sẽ không kích thích được DN đang có thị trường tiếp tục triển khai đầu tư mở rộng kinh doanh và làm tăng nợ xấu đối với DN đang cố gắng phục hồi sản xuất…
Tuy nhiên, theo TS. Lịch, năm 2013 sẽ là năm hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, nếu các biện pháp đề ra trong hai Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ được thực hiện nhất quán, đồng bộ, hiệu quả. Thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh, phân chia lại thị phần, tạo cơ hội tăng đầu tư với chi phí rẻ cho DN, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, với lạm phát kỳ vọng 6 – 7% và tỷ giá ổn định, các DN sẽ có điều kiện để xây dựng các kế hoạch, hoàn thành mục tiêu trung và dài hạn. Thị trường lao động 2013 tuy sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu nghiệt ngã, nhưng lại tạo cơ hội cho DN phát triển, thu hút, nâng cao chất lượng nhân lực.
“Dù yếu ớt và vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng, nhưng năm 2013 nền kinh tế Việt Nam đã chạm đáy của khó khăn và sẽ là năm hồi phục, nếu thực hiện nhất quán, đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp đề ra của Chính phủ”, ông Lịch nói và cho rằng, kinh nghiệm cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái hoạ đều có cái phúc cho những người biết nắm được thời cơ. Ngay cả thị trường bất động sản, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay cũng đang mở ra cái phúc như vậy, chứ không chỉ có họa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế – tài chính, nếu chỉ xử lý nợ xấu đơn thuần trong ngắn hạn không thể làm tăng tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho những DN có nợ xấu hoặc có lịch sử tín dụng với tín nhiệm thấp. Vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế bảo lãnh để DN loại này có thể tiếp cận vốn từ ngân hàng trong trường hợp hoạt động sản xuất – kinh doanh và đầu tư có hiệu quả.
CUỘC THI ĐẦU TƯ ẢO MÙA 2: ĐẤU CHỨNG – HỨNG VÀNG Bạn đam mê đầu tư chứng khoán nhưng chưa sẵn sàng bước vào thị trường thực? “Đấu Chứng – Hứng Vàng”, cuộc thi đầu tư chứng khoán ảo lần thứ hai do KIS Việt Nam tổ chức với vốn giả lập lên tới...