PGS. TS. Tô Trung Thành, đại diện Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra một thực tế: Tuy môi trường kinh kinh doanh gần đây đã cải thiện hơn sau những nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, số lượng doanh nghiệp và lượng vốn đăng ký đã tăng mạnh trong năm 2017, nhưng khu vực doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Khoảng 98% số doanh nghiệp hiện đang hoạt động thuộc khu vực kinh tế tư nhân, trong đó đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012 và hiện lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp.
Đáng chú ý, so sánh tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ trong 3 khu vực doanh nghiệp trọng yếu cho thấy, khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ cao hơn hẳn so với khối doanh nghiệp nhà nước.
“Doanh nghiệp FDI thua lỗ có thể một phần từ hoạt động “chuyển giá”, còn con số hơn 48% doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân thua lỗ, so với hơn 16% doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước thua lỗ đã phản ánh rất rõ những khó khăn của khu vực tư nhân”, PGS. TS. Thành nhận xét.
Kết quả nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy vẫn có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp lớn, giữa các loại hình doanh nghiệp sở hữu tư nhân và sở hữu Nhà nước trong quá trình xử lý các hồ sơ xin vay từ các tổ chức tín dụng.
Lãi suất cao và chi phí lót tay, quà tặng cũng là những rào cản lớn hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay và làm gia tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, một điểm nghẽn lớn là chi phí vận tải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, gia tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận và năng lực cạnh tranh. Đó là chưa kể nhiều loại chi phí phi chính thức gây ra bởi thủ tục hành chính.
“Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng vẫn đang đối diện với nhiều rào cản phát triển”, PGS. TS Thành nhận định.
Sức khỏe của khu vực tư nhân đang ở mức độ nào trong mối tương quan với thực lực và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế? Đây là một câu hỏi lớn được chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành băn khoăn tìm lời giải.
Theo ông Thành, cần xem xét tính toán thực lực của nền kinh tế nếu loại bỏ đóng góp của những doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Formosa. Và quan trọng hơn, phép tính trừ này cũng sẽ cho thấy một thực trạng không được khả quan lắm về sức khỏe của phần lớn doanh nghiệp tư nhân trong nước.
“Trên thị trường chứng khoán, tính thanh khoản và lợi nhuận của doanh nghiệp đều có xu hướng giảm. Mà những doanh nghiệp trên sàn đã được áp dụng theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, vậy thì những doanh nghiệp ngoài sàn tình hình còn đến mức nào. Thị trường chứng khoán trong năm 2018 vẫn được kỳ vọng tăng vượt ngưỡng 1.200 điểm, tăng trưởng kinh tế vẫn được dự báo là 6,8 – 7%. Vậy, đằng sau những con số hứng khởi này là gì, liệu có cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân hay thị trường vẫn chỉ là miếng bánh cho các ông lớn”, ông Thành trăn trở.
Không quá bất ngờ về những con số này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là hệ lụy của căn bệnh hời hợt, cái gì cũng có nhưng không có cái gì làm đến nơi đến chốn lâu nay.
“Đơn thuốc đã có rất nhiều, song bệnh mãi vẫn chưa khỏi là do các giải pháp đặt ra không được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, thiếu sự đồng bộ và quyết tâm giữa các cấp”, ông Hiếu nhận xét.
Theo đại diện CIEM, nhiều giải pháp tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp từ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã được ban hành, vấn đề nằm ở chỗ thực thi của cấp cơ sở.
“Cần xây dựng những chính sách thúc đẩy cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh và đảm bảo sở hữu trí tuệ để tạo môi trường lành mạnh cho tư nhân phát triển, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và dài hạn”, ông Hiếu khuyến nghị.