Theo các chuyên gia của Moody’s, trong năm 2017, khả năng sinh lời của ngân hàng cũng tăng lên nhờ vào hoạt động bán lẻ vốn có lợi nhuận cao, từ đó tạo thêm nguồn lực để các nhà băng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nhằm xóa nợ tại công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trước thời hạn.
Xử lý nợ xấu đi đúng hướng
Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD cuối năm 2017 khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.
Trong đó, Moody’s đánh giá tích cực đối với tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam trong quá trình cải thiện chất lượng tài sản. Một số ngân hàng, trong đó có ACB đã tích cực xử lý nợ xấu.
Cụ thể, ACB là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm khảo sát, chỉ 0,7% so với mức 0,87% hồi đầu năm; nợ có khả năng mất vốn cũng giảm từ 0,64% xuống 0,4%.
Trong khi đó, dù tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức khá cao, nhưng Sacombank đã có nhiều bước tiến đáng kể trong xử lý. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã lùi về mức 4,16%, từ mức 6,91% hồi đầu năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đã xóa nợ thành công tại VAMC như Vietcombank, Techcombank và MBBank.
Theo các chuyên gia, sở dĩ nợ xấu của nhiều ngân hàng giảm mạnh trong năm 2017 là do quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD được đẩy nhanh hơn từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Điều này cũng giúp các TCTD hạn chế chuyển nợ sang VAMC, thay vào đó là đẩy mạnh các hình thức xử lý nợ xấu khác như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo, đặc biệt là sử dụng dự phòng rủi ro.
Chính vì lý do trên mà dự phòng rủi ro là áp lực của không ít ngân hàng. ACB là ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng nhất năm qua khi dành tới 2.565 tỷ đồng cho việc này, chiếm 49,1% lợi nhuận thuần cả năm. Tại BIDV, con số này lên tới 14.915 tỷ đồng, chiếm 62,9% lợi nhuận thuần.
Nhóm chuyên gia đánh giá chất lượng tài sản của hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều đã ổn định trong năm 2017 do những điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực. Khả năng sinh lời của ngân hàng cũng tăng lên nhờ vào hoạt động bán lẻ vốn có lợi nhuận cao, từ đó tạo thêm nguồn lực để các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nhằm xóa nợ tại VAMC trước thời hạn.
Cải thiện chất lượng tài sản
“Tỷ lệ trích lập dự phòng cũng được tăng lên, mặc dù vẫn ở mức thấp so với các tiêu chuẩn quốc tế. Trong năm 2018, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện, các ngân hàng hiện đã có khả năng tăng cường các khoản trích lập dự phòng và xây dựng các khoản “đệm vốn” cho những tài sản có vấn đề. Với tốc độ này, sẽ có thêm nhiều ngân hàng có thể trích lập cho toàn bộ số trái phiếu VAMC trước thời điểm cuối năm 2018”, báo cáo nêu.
Đánh giá về chất lượng tài sản của 14 ngân hàng Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng sẽ được cải thiện hơn nữa trong năm 2018, nhờ hoạt động thu hồi nợ, dù tăng trưởng tín dụng nhanh chóng có thể che lấp hết rủi ro về tài sản.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của các ngân hàng tăng từ 0,7% năm 2016 lên 0,9% năm 2017. Khả năng sinh lời sẽ còn được cải thiện vào năm 2018 nhờ những yếu tố hỗ trợ như năm 2017 vừa rồi, cụ thể là điều kiện kinh tế vĩ mô và tăng trưởng nguồn thu lõi.
Trong khi đó, tỷ lệ vốn cổ phần trên tổng tài sản trung bình của 14 ngân hàng giảm xuống còn 5,5% trong năm 2017, chịu áp lực từ sự suy yếu của các ngân hàng có vốn chi phối của Nhà nước.
Hiện nay, các ngân hàng đã và đang lên kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, bán cổ phần. Chẳng hạn như VPBank, Techcombank, HDBank đã tăng cường vốn thông qua việc bán cổ phần mới.
Tuy nhiên, khả năng huy động vốn của các ngân hàng giảm nhẹ, có thể thấy từ việc tỷ lệ dư nợ cho vay trên tiền gửi đã tăng từ 85% năm 2016 lên 86% năm 2017. Xu hướng này có thể sẽ còn tiếp diễn trong năm 2018, vì tăng trưởng cho vay sẽ vẫn còn cao.
Bên cạnh đó, vào những tháng cuối năm, mức vốn của các ngân hàng vẫn sẽ còn chịu áp lực từ sự tăng trưởng tín dụng và chi trả cổ tức vào đầu năm sau.