Ý kiến này vừa được ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra tại cuộc họp đánh giá tình hình trong 6 tháng đầu năm và phương hướng điều hành trong những tháng còn lại của năm 2018 do Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ tổ chức.
Theo đó, ông Hải cho rằng nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì nên tăng theo lộ trình với lần đầu tăng khoảng 500 đồng/lít thay vì tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng như phương án mà Bộ Tài chính nêu.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít… Số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.
Trong tờ trình, ngoài xăng dầu, ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng mỗi kilogram, tùy loại.
Đối với mặt hàng túi nilon, với đề xuất tăng 10.000 đồng mỗi kilogram, tức từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Ước tổng số thu sẽ đạt khoảng 67,5 tỉ đồng, tăng khoảng 13,5 tỉ đồng/năm.
Theo Bộ Tài chính, nếu phương án được tăng qua, tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ vào khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm.
Bộ Tài chính cho rằng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được thực hiện từ năm 2012 đã nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển bên vững… khi Việt Nam thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.
Theo giải thích của Bộ Tài chính, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ dưới lên trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia, Trung Quốc và thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, châu Á như Singapore, Philippines, Hồng Kông.
Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học – xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường).
Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.