Trong văn bản đề nghị chuyển tới các bộ ngành, Văn phòng Chính phủ nói rõ các bộ, cơ quan để nghiên cứu xử lý kiến nghị theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Trước đó, để cứu nguy cho cây mía trên địa bàn tỉnh, Phú Yên đã đưa ra 3 kiến nghị trong đó có việc đề xuất giảm thuế VAT về 0%, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn, giảm lãi vay vốn lưu động cũng như vốn đầu tư dự án cho ngành mía đường; đồng thời duy trì hiệu quả các hàng rào kỹ thuật hợp lý, đa dạng hóa các tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm soát tình trạng tạm nhập tái xuất, đặc biệt là tình trạng nhập lậu đường.
UBND tỉnh Phú Yên cho hay, các nhà máy chế biến đường đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều vùng trồng mía bị ảnh hưởng sau cơn bão số 12, dẫn đến chất lượng mía đạt thấp, sức tiêu thụ đường đạt chậm, giá bán cũng không cao.
Mặc dù hầu hết các nhà máy gặp khó khăn nhưng vẫn cố gắng mua mía nguyên liệu cho bà con trồng mía với giá hợp lý và tương đồng nhau. Cụ thể, giá mía sạch tại ruộng là 800.000 đồng/tấn.
Bên cạnh đó, các nhà máy còn có cơ chế thưởng cho mía có chữ đường cao, tạp chất thấp nhằm khuyến khích, tạo sự gắn kết giữa nhà máy với nông dân. Bên cạnh đó, các nhà máy cũng thực hiện tốt công tác ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm (100% diện tích).
Dù vậy, tỉnh Phú Yên cho rằng, thị trường tiêu thụ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chế biến mía đường và những hộ nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang đối mặt với áp lực cả bên trong lẫn bên ngoài, khi giá đầu vào cao mà sức tiêu thụ sản phẩm đường lại giảm. Nhất là bối cảnh, các hộ tiêu thụ, sử dụng đường đang có tâm lý đợi giá giảm xuống để được mua đường rẻ.
Thậm chí, doanh nghiệp chế biến thực phẩm vốn sử dụng nhiều đường để làm nguyên liệu cũng đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các chất tạo ngọt khác để thay thế đường, điều này càng khiến thị trường tiêu thụ thêm khó khăn.
Do đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ cùng các bộ ngành có cơ chế để hỗ trợ ngành đường áp dụng thuế nhập khẩu, quản lý và kiểm soát hàm lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn đối với các chất tạo ngọt được phép sử dụng thay thế sản phẩm đường trong lĩnh vực chế biến thực phẩm; nâng giá mua điện từ các nhà máy điện đồng phát lên bằng giá điện sinh khí, đưa giá ethanol dùng phối trộn nhiên liệu sinh học vào quản lý như giá xăngdầu…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đề xuất Chính phủ sớm có xây dựng hoàn thiện các quy định, chính sách hỗ trợ ngành mía đường, phát triển các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa trong khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía nhằm hạ giá thành sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh này cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn, giảm lãi vay vốn lưu động cũng như vốn đầu tư dự án cho ngành mía đường; giảm thuế VAT đối với mặt hàng đường từ 5% xuống 0% (trong thời điểm lượng đường tồn kho lớn như hiện nay). Đồng thời, chỉ đạo các bộ ngành liên quan tiếp tục thực hiện duy trì hiệu quả các hàng rào kỹ thuật hợp lý, đa dạng hóa các tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm soát tình trạng tạm nhập tái xuất, đặc biệt là tình trạng nhập lậu đường…
Toàn tỉnh Phú Yên có 25.499 ha diện tích trồng mía. Sản lượng mía ước đạt hơn 1,73 triệu tấn và kế hoạch ép của các nhà máy là gần 1,43 triệu tấn, cho sản lượng đường dự kiến khoảng 136.000 tấn đường.
Hiện, các nhà máy chế biến mía đường đã ép được khoảng 1,37 triệu tấn mía nguyên liệu, chế biến được 118.000 tấn đường. Lượng đường tiêu thụ khoảng 39.818 tấn. Giá bán trước thuê VAT tại nhà máy dao động từ 11.200 đồng đến 12.660 đồng mỗi kg. So với năm 2017, giá mua bình quân giảm từ 3.300 đồng đến 3.900 đồng mỗi kg.