Điểm số thị trường giờ đây không còn quá quan trọng, dù có phá đáy cũ hay tạo sóng tăng bậc thang trong ngắn hạn thì cũng không giải quyết được vấn đề cơ bản về tiềm lực tài chính để có thể dẫn đến một chu kỳ phục hồi lâu dài và bền vững.
Hy vọng phục hồi cho TTCK Việt Nam trong những tháng cuối năm 2011 càng trôi về nơi xa xôi, cùng chiều với sóng giảm diễn ra từ giữa tháng 9 đến nay.
Trước đó, bối cảnh giảm lãi suất tiết kiệm đã kích thích một dòng tiền nhàn rỗi chảy vào cổ phiếu, cùng với việc chỉ số lạm phát có dấu hiệu lập đỉnh của năm vào tháng 8 – những điều kiện khá thuận lợi mà đã khiến cho không ít nhà đầu tư lại một lần nữa ôm nỗi thất vọng tràn trề khi thị trường vẫn tiếp tục đi xuống, hay nói cách khác là bị đánh xuống.
Như chúng tôi đã đề cập trong những nhận định trước đây, khó có lý do đủ thuyết phục để thị trường không phục hồi, để nhà đầu tư tổ chức nắm cơ hội đánh lên khi mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm về rất thấp và sàn Hà Nội đã bộc lộ những biểu hiện phục hồi đầu tiên. Vậy thì, chỉ có thể lý giải tình trạng tiếp tục đổ dốc của thị trường là do những người nắm quyền chi phối, hay chính xác hơn là thao túng nó, đã không muốn thị trường được hồi phục.
Đến cuối tuần qua, một giả thuyết của chúng tôi nêu ra ngay tại vùng đỉnh của sóng tăng gần nhất về khả năng mẫu hình đồ thị giảm thẳng đứng của thị trường, thật đáng tiếc là đã được chứng nghiệm khi cả hai chỉ số đều đã trải qua quãng đường mất mát từ 9-10%. Lần này, thay cho HNX, chỉ số VNI đã bị dùng làm vật hy sinh, với đường biểu diễn của sóng giảm tạo nên hình chữ V ngược so với sóng tăng.
Hai phiên giao dịch cuối tuần qua đã cho thấy ngưỡng giới hạn tâm lý của nhà đầu tư đã bị phá vỡ, khi tư thế bán mạnh chuyển sang tình trạng bán tháo. Mặc dù đã cố cầm cự, nhưng các cổ phiếu trên sàn Hà Nội vẫn không trụ được trước những diễn biến quá tiêu cực tại sàn HOSE. Trong nhiều chặng đường của lịch sử, sự khởi đầu của tâm lý bán tháo đã thường dẫn đến hậu quả một chuỗi phiên giảm điểm mạnh hoặc rất mạnh. Liệu lần này có tái hiện lịch sử?
Một sự trùng hợp rất đáng chú ý là sóng giảm của thị trường đang tương ứng với khoảng thời gian mà khối nước ngoài bán mạnh. Vào tháng 8/2011, giá trị bán ròng của khối này trên 200 tỷ đồng đã được xem là một hiện tượng, nhưng trong tháng 9/2011, giá trị bán ròng của nước ngoài đột biến đến 1.000 tỷ đồng, để tính chung cho hai tháng qua khối này đã rút ra khỏi thị trường đến 1.200 tỷ đồng.
Chuyện khối các tổ chức nước ngoài bán ròng có đáng lo ngại không? Sẽ không hẳn như thế nếu căn cứ vào những thông tin gần nhất về việc dòng tiền từ Nhật Bản hay một số quỹ đầu tư lớn có khả năng chảy vào TTCK Việt Nam. Mới đây, 38 tập đoàn và 9 quỹ đầu tư của Mỹ, được dẫn đầu bởi JP Morgan đã vào nước ta khảo sát về TTCK. Một số chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá TTCK Việt Nam giờ đây có lẽ là khu vực hấp dẫn bậc nhất trên thế giới, không thể tìm được ở đâu khác.
Thật tình, sự hấp dẫn hiếm có như lời đánh giá trên không đáng giá cho một niềm tự hào. Tính từ đỉnh phục hồi sau khủng hoảng năm 2008, chỉ số HNX đã mất đến 86%, vượt xa tất cả mọi kỷ lục được thiết lập của nó trong quá khứ, vượt xa những điều kiện suy thoái bình thường của thị trường. Tỷ lệ trên chỉ có thể so sánh với Síp và Hy Lạp – những quốc gia có điểm số chứng khoán mất gần 90% so với giá trị đỉnh.
Tuy nhiên, ngay cả tính hấp dẫn cũng không phải luôn trở thành sự an ủi. Cứ theo lời ông Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – chuyến viếng thăm của các tổ chức tài chính Mỹ vừa qua đã không mang lại kết quả khả quan, những nhà đầu tư Mỹ đã chưa nhìn ra cơ hội lớn lao cho một thị trường kiệt quệ về điểm số nhưng cũng đồng thời kiệt quệ cả về thanh khoản, khiến cho giả định giá trị mua hoặc bán cổ phiếu chừng 50 triệu USD của họ trở nên không hợp thời chút nào.
Dòng tiền từ nước ngoài vào TTCK Việt Nam chưa thấy đâu, cho dù dang có xu hướng tiền từ châu Âu chảy vào các thị trường mới nổi châu Á. Trong khi đó, tiền lại đang bị rút dần bởi khối nước ngoài từ chính thị trường trong nước. Sự đồng điệu lẫn nghịch lý đó đem lại cảm giác hoàn toàn thiếu an toàn, càng khó hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của TTCK Việt Nam trong tương lai trung hạn.
Câu hỏi về dòng tiền tiết kiệm có chuyển sang kênh chứng khoán hay không cũng gần như đã nhận được lời giải đáp. Mức thanh khoản có xu hướng giảm dần trong sóng giảm, chứ không phải tăng lên, đã thật khó để phát ra tín hiệu rõ ràng về vùng đáy của thị trường. Những ước đoán của một số công ty chứng khoán về tiền tiết kiệm chọn lựa cổ phiếu đã mặc nhiên bị rút lại.
Gần đây nhất, Thông tư 30 của Ngân hàng nhà nước quy định lãi suất không thời hạn và kỳ hạn dưới một tháng tại các ngân hàng chỉ có 6%, đã khơi gợi hy vọng mỏng manh cho nhà đầu tư chứng khoán rằng một nguồn tiền đầu cơ đang trú ngụ trong ngân hàng sẽ được “ép” bung ra thị trường, và có khả năng sẽ hướng đến kênh cổ phiếu.
Tuy vậy, hy vọng trên rất có thể sẽ chẳng tồn tại bao lâu, nếu xét đến thực tế quá khiêm tốn của dòng tiền chuyển từ vàng sang chứng khoán. Điểm đáng lưu ý là trong tuần qua vàng đã bắt đầu phát tín hiệu lao dốc, một phần tiền khá lớn được các tổ chức kinh doanh vàng rút ra khỏi kênh này. Nhưng vì sao chứng khoán không tăng? Sóng giảm của vàng lại trùng với sóng giảm của chứng khoán và cùng với sự sụt giảm thanh khoản của TTCK, cho thấy kênh cổ phiếu đã không nhận được sự hỗ trợ của dòng tiền từ kênh vàng.
Thiếu vắng cả dòng tiền tiết kiệm và tiền từ vàng, TTCK đang trở nên vô vọng. Trong cách nhìn của chúng tôi, điểm số thị trường giờ đây không còn quá quan trọng, chỉ số VNI hay HNX, hay cả hai dù có phá đáy cũ hay khả quan hơn là tạo sóng tăng bậc thang trong ngắn hạn, thì cũng không giải quyết được vấn đề cơ bản về tiềm lực tài chính để có thể dẫn đến một chu kỳ phục hồi lâu dài và bền vững.
Trong mấy tháng cuối cùng của năm nay, khả năng tốt nhất của thị trường là không giảm mạnh. Nhưng viễn cảnh tăng mạnh cũng không có, mà thay vào đó chỉ là những sóng gần như dao động ngang, phục vụ cho nhiệm vụ then chốt là thoát hàng. Những công ty chứng khoán như ACB đã từng dự báo thị trường có khả năng tăng mạnh từ tháng 8/2011 đến cuối năm do đón nhận tiền tiết kiệm, giờ đây đang thận trọng trở lại trong nhận định cho từng ngày giao dịch.
Nhưng cũng không loại trừ khả năng sau sóng bổ nhào đang và sẽ diễn ra, TTCK Việt Nam lặp lại đường biểu diễn trượt giảm không có điểm dừng của hai thị trường Hy Lạp và Síp. Khi đó, nhà đầu tư sẽ phải ngóng chờ đến năm 2012.