EUR/USD đã giảm mạnh từ mức 1,1850 xuống tới mức 1,1618. Như vậy, EUR đã giảm gần 2% so với USD, đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều tháng nay. Không chỉ giảm mạnh so với USD, mà EUR còn giảm sâu so với JPY, GBP…
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm cũng giảm tới 0,443%. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán khu vực châu Âu lại được hưởng lợi từ tin tức này khi chỉ số Stoxx600 tăng 0,2%…
Sở dĩ EUR chịu đòn giáng mạnh là do tại cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 14/6, ECB cho biết nếu kinh tế châu Âu vẫn tiếp tục diễn biến như dự báo, thì cơ quan này sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu tư nhân hàng tháng (QE) vào tháng 12/2018. Ngoài ra, ECB cũng cảnh báo sẽ tiếp tục duy trì lãi suất thấp kỷ lục cho tới mùa hè năm sau.
Trước đó, ECB đã đưa ra dự báo lạm phát của khu vực sẽ ở mức 1,7% trong giai đoạn 2018- 2020, trong khi GDP ở mức 2,1% năm 2018, nhưng giảm xuống 1,9% năm 2019 và giảm tiếp xuống 1,7% vào năm 2020.
Đến nay, ECB vẫn đang duy trì chương trình QE với quy mô mua tháng tháng 30 tỷ EUR, tương đương 35 tỷ USD, dự kiến đến tháng 9/2018. Theo dự kiến, quy mô chương trình này sẽ giảm xuống còn khoảng 15 tỷ EUR vào quý 4/2018.
Chương trình QE này được ECB đưa ra nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay ở khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của khu vực sau khi bị suy thoái kéo dài.
Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù tình hình kinh tế châu Âu đã có chút khả quan, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Bởi một số quốc gia thành viên, như Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp… vẫn đang bị cuốn vào vòng xoáy bất ổn tài chính, nợ công tăng mạnh. Đó là chưa kể một số quốc gia cũng đang có ý định rút khỏi Eurozone, như Anh Quốc đã thực hiện. Trước thực trạng này, ECB có thể sẽ chỉ giảm dần quy mô của QE hiện hành, chứ chưa thể chấm dứt ngay được, vì chấm dứt đột ngột chương trình này sẽ có nguy cơ đẩy khu vực này rơi vào khủng hoảng.
Tuy nhiên, nếu ECB không chấm dứt QE và tăng lãi suất cơ bản, thì dòng vốn đầu tư từ khu vực Eurozone sẽ chảy hết sang Mỹ. Bởi lãi suất cơ bản của Mỹ đang duy trì ở mức 2%, trong khi lãi suất cơ bản của Eurozone hiện vẫn ở mức 0% trong nhiều năm nay.
Trong thời gian qua, ECB đã chịu rất nhiều áp lực khi các chuyên gia phân tích và một số quốc gia thành viên của Eurozone, trong đó có Italy, đề nghị ECB phải sớm thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.
Chính phủ mới của Italy đã cáo buộc ECB thao túng thị trường tài chính khu vực Eurozone khi mua thêm trái phiếu chính phủ Đức, nhưng lại giảm giảm việc mua trái phiếu chính phủ Italy trong tháng 5 vừa qua.