Theo đó, ngày 28/6 là ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu CCM. Lý do CCM hủy niêm yết là tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp, nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất – kinh doanh và thực hiện chiến lược phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn mới. Như vậy, CCM sẽ hủy niêm yết gần 6,2 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương gần 62 tỷ đồng.
Trước đó, vấn đề hủy niêm yết tự nguyện của CCM trên HNX đã được ĐHCĐ thường niên năm 2018 của doanh nghiệp này nhất trí thông qua.
Cũng tại ĐHCĐ 2018, nhiều nội dung quan trọng liên quan tái cấu trúc doanh nghiệp cũng được trình như việc thành lập công ty tại Australia, đầu tư trạm nghiền xỉ và sản xuất vật liệu xây dựng mới tại Công ty TNHH MTV Xi măng Cần Thơ Hậu Giang.
Năm 2017, doanh thu hàng hóa, dịch vụ và doanh thu thuần của CCM đều tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2016, lần lượt đạt 696 tỷ đồng và 694 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần tăng 62% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 50,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 45,5 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo CCM, năm 2017 doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn lãi suất thấp; giá cả vật tư, nguyên nhiên vật liệu, điện tăng theo thị trường; thị trường xi măng cạnh tranh gay gắt về giá cả. Về thị trường tiêu thụ, CCM phải cạnh tranh với các đối thủ lớn như Xi măng Tây Đô, Vincem Hà Tiên, Nghi Sơn…
Năm 2018, CCM dự kiến doanh thu đạt 760 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 65,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 33,8% so với năm 2017. CCM dự kiến sẽ đạt 950.000 tấn xi măng trong năm 2018.
Trong quý I/2018, Công ty ghi nhận doanh thu 217 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 18,9 tỷ đồng, đạt lần lượt 25,2% và 28,9% kế hoạch năm.
Trong giai đoạn tới, doanh nghiệp dự kiến hoàn thành Nhà máy xi măng Cần Thơ – Hậu Giang nhằm cung cấp nhu cầu xi măng cho toàn khu vực Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng… và các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận…
Theo dự báo về thị trường xi măng Việt Nam 2018 của Biinform, thị trường xi măng Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục tình trạng dư cung, và chỉ đạt điểm cân bằng vào năm 2027 ở mức 130,8 triệu tấn xi măng.
Hiện Tổng CTCP Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) hiện đang dẫn đầu thị trường với 35% thị phần trong năm 2017. Bên cạnh đó là các công ty có sở hữu nước ngoài như SCCC, Nghi Sơn, Chinfon và Thăng Long hiện đang chiếm thị phần 35%.
Vừa qua, cổ phiếu CCM đã có 2 phiên giảm sàn liên tục từ mức 32.400 đồng/cổ phiếu xuống còn 26.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm gần 19%. Tuy nhiên, sau gần 10 năm niêm yết, cổ phiếu CCM đã tăng hơn 52% về thị giá.