Miếng bánh hấp dẫn nhà đầu tư
Phát biểu tại một hội thảo về tài chính tiêu dùng mới đây, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính (Earn and Young Việt Nam), nhận định nhờ tốc độ tăng trưởng nóng của tín dụng tiêu dùng trong những năm vừa qua, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã trở thành một miếng bánh hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trên thực tế, hoạt động mua bán sát nhập (M&A) trong lĩnh vực này đã trở nên đặc biệt sôi động trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhất là khi có sự tham gia của các “ông lớn” châu Á, điển hình là thương vụ ngân hàng Shinhan Bank mua lại mảng bán lẻ tại Việt Nam của ngân hàng ANZ, hay sự góp mặt của của các “đại gia” Hàn Quốc như Lotte và Shinhan thông qua việc mua lại hai công ty tài chính TechcomFinance và Prudential Finance.
Bên cạnh đó, cũng cần phải kể tới sự gia nhập của những gương mặt Nhật Bản như Tập đoàn tài chính Credit Saison mua lại 49% cổ phần của HDFinance, hay sự hợp tác liên doanh chiến lược giữa Shinsei Bank (49%) và Ngân hàng Quân đội (50%).
Với trường hợp của FE Credit, doanh nghiệp tiên phong trong việc gọi vốn vay từ các định chế tài chính lớn, từ năm 2016 đến nay đã vay và giải ngân khoảng 350 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài như Credit Suisse, Deutsche Bank, Lion Asia và khoảng 15 ngân hàng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tính đến nay, khoản vay của FE Credit cũng là khoản vay có giá trị lớn nhất mà Deutsche Bank và Credit Suisse cấp cho một công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.
Thị trường còn “bỏ ngỏ”
Ước tính đến năm 2019, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 44 tỉ USD hay 1 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) từ năm 2013 tới năm 2016 của thị trường cho vay tiêu dùng nói chung là 44% và của các công ty tài chính nói riêng là 91%, cho thấy sức nóng tăng trưởng của các công ty này.
Có thể thấy, việc các công ty tài chính huy động được nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài có uy tín sẽ giúp họ có nguồn lực mạnh hơn, từ đó, các chiến lược kinh doanh được xây dựng hấp dẫn hơn, với mức lãi suất cho vay tốt hơn. Như vậy, thu hút được vốn nước ngoài không chỉ góp phần giúp tăng sức mạnh cho các công ty tài chính mà người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn cả.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố thuận lợi từ điều kiện vĩ mô ổn định, dư địa tăng trưởng lớn thì việc hành lang pháp lý chưa thực sự thông thoáng với lĩnh vực cho vay tiêu dùng lại là cản trở khiến các công ty tài chính gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo sớm hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện nhằm đồng bộ hóa kế hoạch và giải pháp tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý các công ty tài chính cũng như tạo điều kiện cho các công ty tài chính mới có thể phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh. Điều này sẽ giúp giảm lãi suất, tăng sự đa dạng về sản phẩm-dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.
Trước đó, không ít lần các chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực tài chính cũng lên tiếng cho rằng, để tài chính tiêu dùng đi vào cuộc sống nhiều hơn cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng cải cách mạnh mẽ, cởi mở, thông thoáng Luật ác tổ chức tín dụng và các văn bản dưới luật quy định về hoạt động của các công ty tín dụng tiêu dùng.
Đối với các quy định về hoạt động huy động vốn của công ty tài chính thì cần phải ổn định chính sách và hành lang pháp lý chuyên biệt riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để đẩy mạnh phát triển cho hoạt động huy động vốn, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính Việt Nam.