Kỳ trước: >> Ba vấn đề của ngành xi măng Việt Nam hiện nay
>> Cơ hội nào cho ngành xi măng phát triển
Thứ nhất, triệt để tái cấu trúc ngành xi măng
Quyết liệt thực hiện tư nhân hóa các công ty XM mà nhà nước đang chi phối, thoái vốn toàn bộ hoặc chỉ duy trì Vốn NN nhưng không chi phối hoạt động của công ty CP
Tổng Công Ty Xi Măng VN (Vicem) có 4 công ty được cổ phần hóa là Hà Tiên, Bỉm Sơn, Hoàng Mai và trạm nghiền Hải Vân nhưng Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối. Cũng có một số thay đổi tích cực trước và sau cổ phần hóa nhưng bản chất vẫn là “bình mới, rượu cũ” khi tất cả mọi vấn đề từ định hướng phát triển, kế hoạch kinh doanh, nhân sự, vv,… vẫn do bộ máy điều hành và theo kiểu Nhà nước. Cổ đông không phải là Nhà nước thường là CB-CNV với tỷ lệ sở hữu nhỏ lẻ, không đáng kể. Cổ đông chiến lược từ các quỹ đầu tư cũng không chiếm tỷ trọng lớn nên cũng không có vai trò gì trong việc điều hành.
Đối với các công ty CP xi măng có vốn Nhà nước khác: Hạ Long, Cẩm Phả, Đồng Bành,…. đã trong tình trạng phá sản (Insolvency) nếu không được Bộ Tài Chính trả nợ thay: Là hệ quả của việc đầu tư trái ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước: Việc chậm thoái vốn ngày nào sẽ càng làm cho các Công ty này lún sâu thêm vào thua lỗ, mất vốn. Tuy nhiên, sẽ không có ai bỏ tiền giải cứu (mua lại cổ phần) các công ty này nếu vẫn tiếp tục duy trì tình trạng “Công ty cổ phần nhưng hoạt động theo mô hình DNNN”.
Cần biết rằng, hiện nay một Công ty cổ phần mà vốn Nhà nước từ 30% vốn sẽ vẫn được “đối xử” như một DNNN trừ việc vay vốn, doanh nghiệp sẽ vẫn ở trong tình trạng “một cổ hai tròng” với ông chủ chính là các cổ đông tư hữu và “ông chủ nhỏ” vô hình nhưng đầy quyền lực là “Nhà nước” sẽ gặp khó khăn trong điều hành SXKD. Để chi phối tuyệt đối phải sở hữu trên 70% cổ phần, đây quả thực là một rào cản khá cao khó vượt qua để thúc đẩy quá trình tư hữu các công ty xi măng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Chấp nhận sự thật việc thua lỗ, giảm hoặc mất vốn. Không cố gắng vớt vát bảo vệ “vốn nhà nước tại DN” mà thực chất không tồn tại, gây khó khăn cho doanh nghiệp sau khi CPH
Hiện tượng thiếu minh bạch, che dấu thông tin, hạch toán giảm lỗ trên BCTC với mục đích cố gắng bảo toàn vốn Nhà nước cũng là cản trở lớn cho quá trình tư nhân hóa. Có thể lấy việc cổ phần hóa Tồng Công Ty Miền Trung Cosevco) năm 2011 như một ví dụ điển hình. Xem xét số liệu công bố trên HOSE khi tổ chức đấu giá: Nếu hạch toán đúng theo chuẩn mực kế toán, kiểm toán thì Cosevco vẫn bị âm vốn Chủ sở hữu thêm vài trăm tỷ nữa dù đã định giá tăng giá trị tài sản của Cosevco. Nguy hiểm hơn, các khoản phải thu của Cosevco trên 100 tỷ nhưng không thể thu được trong khi các khoản phải trả của Cosevco từ trước, bảo lãnh thanh toán của Cosevco cho các Công ty con lớn hơn nhiều so với các khoản phải thu và đều có chủ nợ cụ thể. Chưa kể, các khoản nợ vay dài hạn để đầu tư NMXM Sông Gianh cũng đều quá hạn,… Áp lực trả nợ là vô cùng lớn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các Nhà đầu tư mới sau một năm đã làm thay đổi tích cực hoạt động của Cosevco, các Nhà máy xi măng (tài sản chính của Cosevco) vận hành vượt 100% công suất, điều mà rất nhiều CB-CNV trước đây nằm mơ cũng không thấy được. Tuy vậy, họ vẫn đang gặp khó khăn khi phải xử lý các khoản trả nợ Ngân hàng,… vào dịp cuối năm.
Nói cách khác, Công ty cổ phần mới ngay lập tức tiếp tục đứng trước nguy cơ phá sản khi vừa tiếp nhận Cosevco. Vậy mà đến nay vẫn có thư tố cáo (nặc danh) việc tiếp tay với tư nhân làm thất thoát vốn của Nhà nước tại Cosevco? và gần đây, Bộ Xây Dựng vẫn tiếp tục có công văn yêu cầu xem xét lại việc định giá Công ty này??
Cần phải nói thêm rằng, việc bán đấu giá công khai cổ phần Nhà nước tại Cosevco vừa qua, các Nhà đầu tư không được cung cấp đầy đủ thông tin về hiện trạng tài chính của Cosevco – không có “Đánh giá toàn diện/ Due Diligence assessment report”, tất cả thông tin về Cosevco chỉ giới hạn trên HOSE: Một bản cáo bạch với Báo cáo tài chính có quá nhiều khuất tất. Với cách đấu giá và ý chí phải bảo vệ vốn Nhà nước đến cùng, bất chấp thực tế như trên thì có thể đây sẽ là lần đấu giá thành công duy nhất và cuối cùng nếu vẫn tiếp tục giữ nguyên cách làm này. Nếu không thay đổi tư duy và cách làm vẫn nửa vời thì sẽ không có nhà đầu tư nào dám bỏ vốn mua lại các công ty xi măng này.
Xử lý bài toán tài chính cho các Công ty xi măng cần phối hợp giữa Bộ Tài Chính, Bộ Xây Dựng và Ngân hàng
Trở lại vần đề về gánh nặng tài chính nêu ở phần trên, trong ví dụ với tỷ lệ Vốn tự có/ Vốn vay là 25%/ 75% (thực tế nhiều công ty tỷ lệ vốn tự có rất thấp dưới 15% hoặc thậm chí không có) và mặt bằng giá bán xi măng bình quân 62USD/tấn và EBITDA 20% doanh thu thì không có công ty xi măng nào mới đầu tư có thể cân đối tài chính để trả nợ vay đầu tư, việc phá sản hàng loạt là hiển nhiên. Nếu để các công ty này phá sản, thiệt hại sẽ rất lớn cho Ngân sách và gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội do hệ quả kéo theo của nạn thất nghiệp.
Đối với các Công ty được bảo lãnh vay vốn nước ngoài để đầu tư: Để việc tư hữu hóa, tái cơ cấu có thể thực hiện được thì Bộ Tài Chính và / hoặc Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo tiếp tục duy trì việc bảo lãnh cho chủ đầu tư mới. Đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành bán cổ phần Công ty đó.
Đối với khoản nợ vay dài hạn tại các Ngân hàng (chủ yếu ngân hàng có vốn NN): Tái cơ cấu khoản nợ vay qua việc (a) Kéo giãn thời gian trả nợ thêm đủ để Công ty mới có thể thực hiện việc tái cấu trúc và trả nợ vay (b) Giảm áp lực trả nợ bằng cách xóa nợ đối với các khoản lãi vay quá hạn cũ (lãi phạt, bằng 150% lãi vay thông thường) và (c) Xem xét bổ sung hạn mức vay vốn lưu động cho doanh nghiệp mới thành lập sau khi M&A.
Mới nghe thì có cảm giác Ngân hàng sẽ phải vừa chịu thiệt do xóa nợ lãi vay quá hạn, vừa phải bỏ tiền thêm vào để cứu công ty. Nhưng sự thực đây là việc cần phải làm vì nếu không Ngân hàng sẽ còn tổn thất lớn hơn (hiện nay số nợ gốc đã trả chỉ khoảng 30 – 40% tổng dự nợ – như XM Nghi Sơn mới trả được 33% nợ vay đầu tư). Các bên đều phải chia sẻ rủi ro và tổn thất thì cuộc chơi M&A mới tiến hành được.
Cần nhìn nhận thực tế tại các công ty xi măng đang lâm nguy và chấp nhận phương án bán công ty với giá 1 đồng (hay 1đôla).
Đây là việc chưa có tiền lệ tại VN nhưng rất bình thường trong các nước có nền kinh tế thị trường. Người mua với 1đồng hay 1 đôla sẽ phải nhận trách nhiệm hoàn trả các khoản nợ cho ngân hàng và chủ nợ khác. Đây là một rủi ro lớn cho Nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay khi các khoản nợ vay đầu tư còn lại đều rất lớn. Phương án này sẽ không thể xảy ra nếu Bộ Xây Dựng (trường hợp DN thuộc Bộ quản lý) và chủ nợ chính là Ngân hàng không thừa nhận và ủng hộ.
Chúng tôi có cơ hội được tham gia thẩm định một công ty xi măng có công suất 500 tấn/năm (cải tạo từ lò đứng) ở miền Trung, với chi phí đầu tư khoảng 30 triệu USD (chỉ 60USD/tấnấn), vốn vay khoảng 25 triệu USD (83%) vốn tự có 5 triệu USD (17%). Theo bản dự trù kế hoạch giá thành với giả định chạy được 100% công suất, giá thành kế hoạch 1 tấn clinker sản xuất là 700 nghìn đồng, chưa bao gồm chi phí quản lý DN, chi phí tiếp thị & bán hàng, khấu hao và lãi vay.
Nếu lấy giá xuất khẩu clinker tại địa bàn miền Trung hiện nay khoảng 35USD/tấn FOB hoặc bán trong nước 35USD/tấn, giao tại Nhà máy (tương 728.000đ/tấn) thì lợi nhuận gộp của công ty (bằng doanh thu – chi phí sản xuất) gần như không có, thậm chí lỗ nếu xuất khẩu clinker (do chi phí vận chuyển từ Nhà máy đến cảng). Doanh thu không đủ trang trải các chi phí quản lý, bán hàng thì làm sao trả nợ? không thể khấu hao tài sản thì nói gì đến lãi và thu hồi vốn đầu tư.
Đây là một thực tế cảnh báo cho các công ty có quy mô nhỏ và riêng lẻ, do không thể tạo hiệp lực (syngergy), tạo lợi thế từ quy mô (economic of scales) và các dự án chuyển đổi lò đứng sang lò quay với quy mô nhỏ và riêng lẻ.
Thứ hai, tạo môi trường pháp lý, với các chính sách cụ thể để khuyến khích việc giải thể và hợp nhất các công ty xi măng yếu kém, hình thành các Công ty xi măng lớn, chấm dứt tình trạng cạnh tranh hỗn loạn hiện nay
Chủ trương của Bộ Xây dựng là khuyến khích các nhà đầu tư có nghề và có tiềm lực tài chính thực hiện mua lại và hợp nhất các nhà máy xi măng yếu kém. Tuy nhiên, chủ trương này cần được cụ thể hóa bằng các chính sách cụ thể, đặc biệt là cơ chế cho việc chuyển nhượng các nhà máy xi măng có vốn nhà nước.
Đây là giải pháp căn cơ và được xem là tối ưu nhằm tập trung hóa và cải thiện tình hình hoạt động, tài chính, hệ thống các nhà máy hiện mang tính phân tán và manh mún. Khi đó, bài toán về lợi ích từ quy mô mới có khả năng thực hiện. Một công ty với 10 triệu tấn sản lượng (5 Nhà máy x 2 triệu tấn/NM) thì lượng phụ tùng thay thế dự trữ chỉ bằng ¼ hoặc ít hơn so với lượng phụ tùng dự trữ của 5 công ty riêng rẽ, tiết kiệm tương đương một lượng vốn lớn nằm trong kho. Ngoài ra, với quy mô lớn, việc đầu tư chiều sâu cho công nghệ, quản trị, thương hiệu,… sẽ thuận lợi hơn do chi phí phân bổ trên tấn công suất sẽ thấp hơn nhiều. Chất lượng sản phẩm nâng cao, chủng loại đa dạng,…. Là cơ sở để tăng giá bán và kiểm soát thị trường tốt hơn. Các công ty xi măng lớn với sản lượng từ 10 – 15 triệu tấn/năm sẽ dễ dàng có tiếng nói chung trong việc điều hòa thị trường, nhất là khi gặp khủng hoảng. Thử nghĩ nếu Hiệp hội Xi Măng VN chỉ có khoảng 4, 5 thành viên lớn thì sẽ không có tình trạng phá giá xi măng, để rồi tất cả đều thiệt hại như hiện nay.
Các tập đoàn xi măng lớn trên thế giới như Holcim, Lafarge, Cemex đều có quy mô đầu tư lớn tại nước mà họ đặt nhà máy cộng với sự liên kết với các Nhà máy tại các quốc gia trong khu vực nên việc đầu tư khá hiệu quả và đủ sức vượt qua rủi ro trong khủng hoảng. Thái Lan hiện cũng có sản lượng khoảng 70 triệu tấn XM/năm nhưng chỉ gồm 3, 4 tập đoàn lớn như Siam Cement (SCT), Siam City Cement (SCCC, TPI,…) khi nhu cầu thị trường giảm sút, họ sẽ đồng loạt giảm sản lượng đễ giữ giá.
The Vissai, tập đoàn xây dựng và xi măng tư nhân lớn nhất Việt nam đang đẩy mạnh việc mua lại các nhà máy khác nhau ở Việt Nam. Cũng trong chiến lược này, Gresik tập đoàn xi măng lớn nhất Indonesia, cũng vừa công bố việc mua lại Xi măng Thăng long nhằm đón đầu chu kỳ thứ 2 của đầu tư cơ sở hạ tầng tại Indonesia. Trong khi đó, Xi măng Cẩm phả của Vinaconex, mặc dù đã chào bán từ năm 2009, tuy nhiên cơ chế nhà nước vẫn chưa cho phép chuyển nhượng dưới mệnh giá (cắt lỗ) và do đó thương vụ chưa thể được hoàn tất.
Thứ ba, cần xem xét điều chỉnh Quy hoạch 1488 nhằm “tiết cung” xi măng
Điều tích cực của cuộc suy thoái kinh tế kéo dài hiện nay là đã lộ rõ tất cả bất cập trong việc lập và triển khai quyết định 1488/QĐ-TTg ngày 29/08/2011 v/v quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng VN giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch 1488). Theo tính toán của một số chuyên gia, nếu thực hiện đúng theo quy hoạch thì đến 2012, Việt Nam sẽ có hơn 77 triệu tấn xi măng và đến 2015 là 95 triệu tấn. Nếu tính theo đầu người thì lần lượt sẽ là 866kg/người và 1.021kg/người, thuộc Top 3 trên thế giới. Việt Nam chỉ nên duy trì năng lực sản xuất ở mức tối đa 700kg XM/người (chúng tôi sẽ có phân tích chi tiết về quy hoạch 1488 trong loạt bài tới).
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ những dự án xi măng đang thực hiện dở dang thì buộc phải làm cho xong, các dự án chưa triển khai thì sẽ “mãi mãi ngủ yên” vì (a) Bài học thất bại của việc đầu tư bầy đàn vào xi măng (b) Chi phí đầu tư đắt (kể cả thiết bị của Trung Quốc) (c) Các dự án chuyển đổi từ lò đứng với quy mô nhỏ sẽ không thể tồn tại và cuối cùng nhưng quan trọng nhất là (d) Không thể tìm vốn để đầu tư vào xi măng.
Tuy vậy, các Dự án đã “xếp gạch” trong Quy hoạch 1488 sẽ có thể tiếp tục triển khai ào ạt khi thị trường bất động sản đã qua cơn suy thoái, cầu xi măng tăng trở lại (dự đoán 2014). Câu hỏi “Tiền đâu ra mà làm?” và “vì sao vẫn có Nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào xi măng?” có thể hiểu được qua chia sẻ của một Phó TGĐ phụ trách phòng ngừa rủi ro của một Ngân hàng lớn: “Ngân hàng chúng tôi hiện đang xếp loại tín dụng ngành xi măng ở mức thấp – tuyệt đối không cho vay trung dài hạn để đầu tư. Chỉ cho vay VLĐ nhưng với một vài Công ty lớn như Holcim, Chinfon, Nghi Sơn,…. Chúng tôi biết nhiều Dự án xi măng chỉ có một ít vốn đối ứng, thậm chí không có đồng nào, chủ yếu “lấy mỡ nó rán nó” là chính. Làm xong dự án, họ đã hòa vốn, thậm chí có lời rồi. Vì vậy khủng hoảng, không bán được hàng, không có tiền trả nợ chưa chắc họ lo lắng vì vấn đề bây giờ là của Ngân hàng với đống tài sản thế chấp không biết xử lý sao”.
Không thể biết được tính xác thực của câu chuyện trên nhưng chúng tôi mừng vì ít ra có một ngân hàng lớn thấy được vấn đề. Nếu tất cả ngân hàng đều hành xử thận trọng như ngân hàng này thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên chuyện “lạc đà chui lọt lỗ kim” đã xảy ra ở Việt Nam nên để kiểm soát và ngăn ngừa, Bộ Xây dựng cần sớm đánh giá, xem xét lại quy hoạch 1488 phù hợp với nhu cầu và tiềm năng phát triển của đất nước.
Tổng Công Ty Xi Măng Việt Nam, Hiệp hội sản xuất VLXD đã có kiến nghị lên Bộ Xây dựng và Chính Phủ v/v xem lại Quy hoạch 1488, không cần thiết quy hoạch đến 2030, đến nay vẫn chưa có phản hồi. Hy vọng, Bộ Xây dựng sẽ sớm có những điều chỉnh phù hợp tránh sự đổ vỡ của ngành xi măng.
Để biết thêm thông tin về Ngành Xi măng, Quý vị có thể xem báo cáo chi tiết tại đây (Báo cáo đầy đủ chỉ có phiên bản bằng tiếng anh).