Phiên đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) của Hapro sẽ tiến hành vào 8h30 ngày 30/3/2018 tại Sở GDCK Hà Nội. Thời gian nộp phiếu tham dự đấu giá: Chậm nhất 16 giờ ngày 28/3/2018.
Hapro đã có mã chứng khoán là HTM do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cấp ngày 7/3/2018 để phục vụ việc lên sàn UPCoM ngay sau khi có kết quả IPO. Hapro sẽ lên sàn niêm yết khi có đủ điều kiện.
Theo quy định, trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, DN phải hoàn tất thủ tục đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Phiên đấu giá này sẽ thế nào? Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn tại Hapro là một tín hiệu thu hút nhà đầu tư, nhà đầu tư luôn hứng khởi hơn với những DN mà họ sẽ được làm chủ hoàn toàn không còn vai trò của Nhà nước trong đó. Bán lẻ – một thế mạnh của Hapro cũng đang là lĩnh vực đầy tiềm năng và gần đây liên tiếp có nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này. Sau cổ phần hóa, Hapro tiếp tục được sử dụng 120 địa điểm đất và mặt bằng kinh doanh.
Cho dù đã có vài nhà đầu tư nước ngoài đã tới tìm hiểu Hapro nhưng rốt cuộc cổ đông chiến lược, người sẽ được mua 65 % cổ phiếu của Hapro đã được định đoạt là một công ty Việt Nam. Không thể trở thành nhà đầu tư chiến lược thì liệu có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia đợt đấu giá này không? Nếu có nhà đầu tư nước ngoài nào vào đấu giá, chắc hẳn không khí buổi đấu giá tới sẽ rất khác. Và cơ hội đầu tư dài hạn và lướt sóng với HTM của Hapro thế nào?
Cũng vẫn là câu hỏi, bán lẻ là thị trường hấp dẫn nhà đâu tư ngoại, bán lẻ là thị trường nhiều tiềm năng, Hapro lại đang sở hữu rất nhiều cơ sở thương mại ở Thủ đô và ở nhiều tỉnh khác, lại là một thương hiệu xuất khẩu uy tín với thị trường xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia. Lợi thế có, thế mạnh có, tiềm năng có nhưng lại chỉ có một nhà đầu tư duy nhất là nhà đầu tư chiến lược?
Xem lại thì chính lợi thế, thế mạnh và tiềm năng của Hapro so với quy định về nhà đầu tư chiến lược hiện hành chính là lý do mà nhà đầu tư nước ngoài không thể trở thành nhà đầu tư chiến lược của Hapro. Họ chỉ có thể tham gia đấu giá để trở thành cổ đông thường.
Và cũng đã có những phân tích chỉ ra tình hình doanh thu và lợi nhuận của Hapro những năm gần đây rất bình thường, khiến nhà đầu tư không nhìn thấy ngay một lợi nhuận lớn. Các thông tin về tình hình kinh doanh của Hapro, về các địa điểm vàng Hapro đang sở hữu và sử dụng, thị trường xuất khẩu của Hapro đã liên tục xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều những phân tích và bình luận.
Tuy nhiên để quyết định đầu tư, dài hay lướt sóng thì cũng còn phải xem xét ở cả những giá trị nổi và giá trị ngầm, giá trị hiện hữu và giá trị tương lai. Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Hapro cho biết, bên cạnh thế mạnh về thương mại, Hapro là một DN xuất khẩu chuyên nghiệp và là một DN sản xuất. Hapro phát triển cả thương mại nội địa và thương mại với nước ngoài.
“Hapro là một DN dày dặn kinh nghiệm xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và dẫn đầu cả nước về xuất khẩu nông sản. Chúng tôi có một đội ngũ làm công tác xuất khẩu chuyên nghiệp, kinh nghiệm lâu năm. Đó là thế mạnh của Hapro”, ông Sơn tự tin cho biết.
Trước câu hỏi là DN xuất khẩu chuyên nghiệp và có thế mạnh, đang dẫn đầu cả nước về xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực là hạt tiêu, điều, cà phê và gạo… nhưng tình hình xuất khẩu của công ty mấy năm vừa qua không phải là quá tốt?
Ông Sơn cho biết, vì xuất khẩu nên phụ thuộc khá lớn vào thị trường thế giới. Thị trường thế giới nói chung mấy năm gần đây có sụt giảm do vẫn còn ảnh hưởng của cơn khủng hoảng từ những năm trước, lại thêm phần giá nông sản toàn cầu giảm nên giá trị kim ngạch xuất khẩu của Hapro có giảm. Nhưng vì là một DN xuất khẩu uy tín, giàu kinh nghiệm nên Tổng công ty vẫn duy trì được thị trường, thị phần và sản lượng.
Ông khẳng định thị trường xuất khẩu của Hapro ngày càng ổn định vững chắc, đặc biệt là mặt hàng nông sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Hapro, đây là mặt hàng chịu ít tác động của cuộc khủng hoảng tài chính.
Thương mại có đặc thù, tuy rằng lợi nhuận không phải là cao so với nhiều ngành khác nhưng nó lại là ngành cần thiết và sinh lời hàng ngày. Dòng tiền thu về từ hoạt động thương mại đều đều, lợi nhuận ổn định. Vì vậy, thời kỳ kinh tế khó khăn, lợi nhuận một số ngành giảm sút, dòng tiền mặt khó khăn thì hoạt động thương mại vẫn diễn ra ổn định.
Trước câu hỏi: Thị trường bán lẻ đầy tiềm năng nhưng đang có cuộc cạnh tranh rất mạnh giữa khi các nhà bán lẻ nước ngoài đang “ập” vào, nhiều DN bán lẻ trong nước không trụ được, Hapro sẽ tồn tại thế nào trong cuộc cạnh tranh này?
Ông Sơn cho biết, phải chấp nhận cuộc chơi phải cạnh tranh và Hapro tin rằng sau cổ phần hóa, sau IPO Hapro sẽ có những lợi thế để phát triển tốt hơn.Và tin tưởng thế mạnh đặc thù của Hapro sẽ thu hút những nhà đầu tư nhìn ra chiến lược lâu dài, kỳ vọng lợi nhuận bền vững, ổn định.
Tiêu chí nhà đầu tư chiến lược của Hapro là: có năng lực tài chính, cam kết gắn bó lợi ích lâu dài, có ngành nghề kinh doanh phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của Hapro; có hệ thống mạng lưới kinh doanh liên kết đa ngành trong nước và nước ngoài; có năng lực khai thác, cung ứng nguồn hàng và phát triển thị trường; có kinh nghiệm thực tiễn và khả năng hỗ trợ phát triển đối với các hoạt động kinh doanh chính của Hapro, có lợi ích phù hợp với lợi ích phát triển của Hapro, cam kết sử dụng lao động theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cam kết hỗ trợ đào tạo lại người lao động (nếu có) nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.
Riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài, ngoài việc đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên thì cần đảm bảo tuân thủ quy định về tỷ lệ % cổ phần được mua theo các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời phải đáp ứng các tiêu chí khác.
Chính vì vậy không nhà đầu tư nước ngoài nào đáp ứng được đủ các tiêu chí trên và với nhà đầu tư Việt Nam cũng chỉ có Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) đáp ứng đủ các tiêu chí đó, vì thế, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Vinamco là nhà đầu tư chiến lược.
|