Sức ép tỷ giá, lạm phát
“Sức ép ổn định kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm nay lớn hơn năm trước do các yếu tố bên ngoài không thuận lợi”, TS Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội quốc gia (NCIF) nhận định tại buổi tọa đàm kinh tế 6 tháng cuối năm ngày 8/8.
Fed dự kiến tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất thêm 2 lần nữa và kinh tế Mỹ được sự báo tăng trưởng khả quan trong năm nay có thể khiến USD tăng giá.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ thương mại cũng như căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dù chưa tác động mạnh 6 tháng tới nhưng sẽ có ảnh hưởng trong dài hạn. Chuyên gia kinh tế cho hay, diễn biến này tác động hai chiều đến Việt Nam, cả tích cực lẫn tiêu cực, phụ thuộc vào độ linh hoạt và khả năng nắm bắt thời cơ của doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, ở phía gián tiếp, ông Đức Anh chỉ ra tâm lý nhà đầu tư ảnh hưởng khi giá USD tăng và căng thẳng thương mại leo thang. Minh chứng rõ nét nhất là trong tháng 7 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán bán ròng khá nhiều.
Hàng hóa cũng sẽ chịu tác động bởi khả năng tăng giá của thị trường quốc tế, đặc biệt là giá dầu.
Trong nước, lạm phát có xu hướng tăng lên do tác động từ giá dịch vụ công, giá lương thực và giá giao thông… Theo tính toán của NCIF, lạm phát bình quân năm 2018 sẽ trong khoảng từ 4-4,2%, thấp hơn mức 4,5% được đưa ra trước đó.
“Lạm phát và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đang chịu áp lực lớn. Vì vậy, đòi hỏi chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế gia tăng lạm phát từ phía cầu”, đại diện NCIF nhấn mạnh.
Đà tăng trưởng giảm sút
TS Đặng Đức Anh cho hay động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm đang giảm dần, đặc biệt khi đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài giảm sút từ quý II.
Bên cạnh đó, những chính sách cải thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư kinh doanh chưa có tác động rõ nét. Việt nam chưa có đánh giá lượng hoá tác động cải thiện của chính sách này cho tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào vốn để sáng tạo, trong khi đó, năng suất lao động có cải thiện nhưng rất hạn chế.
6 tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam không nhiều đột phá so với giai đoạn 2014-2016 và có xu hướng giảm sút.
“Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu mất đà do thiếu động lực hỗ trợ. Đây không chỉ là vấn đề cho 6 tháng cuối năm mà còn cho cả giai đoạn 2019 – 2020”, đại diện NCIF nhận định.
Theo dự báo của NCIF, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,83%, trong đó, tăng trưởng quý III đạt 6,72% và quý IV đạt 6,56%. Ngành nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 3,54%, công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,89%, dịch vụ có mức tăng 7,35%.