Kết thúc phiên giao dịch thứ Năm ngày 02/8, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London trở lại xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 6 USD, tức giảm 0,36% xuống ở mức 1.644 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 cũng giảm 6 USD, tức giảm 0,37% xuống ở mức 1.633 USD/tấn. Khối lượng giao dịch cũng giảm nhẹ xuống mức trung bình.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 1,35 cent, tức giảm 1,25% xuống ở mức 106,7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 1,2 cent, tức giảm 1,08% xuống ở mức 110,1 cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 100 đồng/kg, trở lại dao động trong khung 34.300 – 34.900 đồng/kg của một ngày trước đó.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, xuống đứng ở 1.538 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 90 – 95 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Những chính sách tiền tệ trái chiều của các nền kinh tế chủ chốt của thế giới kết hợp với căng thẳng thương mại giữa Mỹ – EU vừa dịu bớt thì căng thẳng giữa Mỹ – Trung Quốc gia tăng trở lại, với việc ông D.Trump cân nhắc nâng mức thuế quan lên 25% của hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD và tuyên bố “đáp trả xứng đáng” của Bắc Kinh, đã khiến cho biến động trên hầu hết các thị trường trở nên khó lường.
Bên cạnh đó, các thị trường cà phê còn chịu tác động nhất thời từ báo cáo thương mại tháng 6 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê tháng này đã tăng tới 11,33% so với tháng trước và lượng cà phê đưa về hai sàn đấu giá đang gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, chi tiết báo cáo cho thấy lượng xuất khẩu tháng này tăng mạnh chủ yếu từ Brazil để bù đắp cho xuất khẩu tháng trước sụt giảm là do việc đình công ngăn cản các tuyến đường cao tốc của tài xế xe tải kéo dài hơn 10 ngày như thị trường đã đưa tin.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tại thị trường New York đứng trước khả năng nhìn thấy hai con số đã xảy ra cách đây hơn 10 năm, kể từ năm 2006, thực sự là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, giới quan sát cũng kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục khi giá cà phê tại sàn này đã rơi vào vùng “bán quá mức” và lượng cà phê tiếp tục đổ về New York ngày càng nhiều.
Theo báo cáo hàng ngày từ sở giao dịch hàng hóa New York, tính đến hôm qua thứ Năm ngày 02/8, lượng cà phê Arabica tồn kho đã được cấp chứng nhận tăng thêm 2.705 bao, lên đăng ký ở 2.060.396 bao (khoảng 123.624 tấn) và lượng đăng ký chờ được đánh giá phân loại ở 105.789 bao.
Trái lại, tuy bị sức kéo giảm của thị trường New York tác động mạnh nhưng thị trường London đã chững lại khi có dấu hiệu mua vào, đặc biệt là mua mới của rang xay cho nhu cầu tiêu thụ mùa đông và cuối năm.
Báo cáo từ sàn London cho thấy, tính đến thứ Hai ngày 30/7, lượng cà phê Robusta tồn kho được chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng thêm 1.630 tấn, tức tăng 2,27% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký ở 73.580 tấn (tương đương 1.226.333 bao, bao 60 kg).
Diễn biến thị trường cũng cho thấy áp lực bán hàng vụ mới từ Brasil cũng gia tăng khi thu hoạch cà phê Conilon Robusta vụ mới đã sắp hoàn tất với dự báo hơn 15 triệu bao và thu hoạch cà phê Arabica sẽ được đẩy mạnh do lo ngại mùa mưa năm nay có thể đến sớm hơn.
Hợp tác xã sản xuất cà phê Cooxupé lớn nhất của Brasil và cả thế giới cho biết các thành viên đã thu hoạch 65,1% vụ mùa của họ so với 76% thu hoạch cùng thời điểm này năm trước. Họ còn cho biết sản lượng cà phê Arabica của họ năm nay tăng khoảng 15% gần như chắc chắn.