Hiện tượng phổ biến
Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê sơ bộ từ 2 Sở giao dịch, số DN xin gia hạn thời gian trả cổ tức năm 2010 đã vào khoảng 20 đơn vị. So với 686 DN niêm yết hiện tại thì con số này khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nhiều khả năng, danh sách đơn vị xin hoãn trả cổ tức sẽ chưa dừng lại. Đặc biệt, so với năm 2009 thì số công ty xin khất cổ tức năm 2010 đã tăng gấp đôi và thời gian xin hoãn cũng tăng lên. Nếu như năm ngoái, đa phần DN dời hạn trả cổ tức trong 2 – 4 tuần thì năm nay, không ít DN trì hoãn hơn 1 tháng. Thậm chí, có những DN như CTCP Sông Đà 74 (S74) kéo dài thời gian thanh toán cổ tức đến 6 tháng; CTCP Sông Đà 6.04 (S64) dời ngày trả cổ tức cách kế hoạch cũ 3 – 4 tháng…
Phần đông DN cho rằng, họ gặp khó về dòng tiền nên bất đắc dĩ phải trì hoãn trả cổ tức. Cụ thể, thông tin từ S64, NSN, C92 cho hay, việc thu hồi vốn chậm từ các công trình đã khiến DN không thể thu xếp được nguồn tiền để kịp thời gian thanh toán cổ tức như đã định. Tài chính eo hẹp cũng là nguyên nhân khiến CTCP Khoáng sản A Lưới (ALV), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) khất cổ tức. Đặc biệt, theo đại diện S74, trong điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt và biến động giá cả theo chiều hướng tăng, Công ty cần tập trung vốn cho sản xuất hơn là chi tiền trả cổ tức.
Lỗ hổng quản trị dòng tiền
Các DN hoàn toàn có lý khi cho rằng, những khó khăn về kinh tế và chính sách vĩ mô đã ảnh hưởng tiêu cực tới kế hoạch trả cổ tức của họ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao trong cùng một môi trường và một ngành nghề kinh doanh, vẫn có nhiều DN trả cổ tức đúng hẹn, trả sớm và thậm chí còn tạm ứng cổ tức cho năm 2011, mà các DN này thì không thể?
Ông Phạm Thứ Triệu, Phó phòng Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư, CTCK Thăng Long (TLS) cho rằng: “Khác biệt này nằm ở khả năng quản trị dòng tiền của DN”. Về lý thuyết, DN dựa vào kết quả kinh doanh và lợi nhuận giữ lại để định ra một tỷ lệ cổ tức hợp lý và đã được ĐHCĐ thông qua. Vì thế, các công ty hoàn toàn có khả năng trả cổ tức, bởi việc chốt thời hạn trả được quyết định khi hoạt động kinh doanh trong kỳ đã được thực hiện xong.
Trên thực tế, trả cổ tức bằng tiền đồng nghĩa DN phải chi tiền. Nếu DN quản trị được dòng tiền, tính toán được nguồn tiền nào đảm bảo kinh doanh, nguồn tiền nào dùng trả cổ tức, câu chuyện trì hoãn cổ tức đã không xảy ra. Nhưng nếu ngược lại, đây sẽ là một áp lực vô cùng lớn.
Nhìn lại, đa số DN xin dời thời hạn trả cổ tức đều gặp vấn đề về dòng tiền. Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính năm 2010 của S74, trong khi Công ty đạt doanh thu 503,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 22,7 tỷ đồng thì dòng tiền từ kinh doanh lại âm. Đến thời điểm hiện tại, S74 vẫn chật vật chuyện tiền bạc. Nhìn từ yếu tố dòng tiền để thấy không có gì khó hiểu khi S74 đã 2 năm liền dời thời hạn trả cổ tức.
Cũng vào thời điểm cuối năm 2011, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền của TNG bị âm ở hoạt động kinh doanh. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2011, tình hình tại TNG càng gay go. Trong báo cáo soát xét, kiểm toán đã nghi ngờ về khả năng hoạt động của Công ty. Bởi nợ ngắn hạn phải trả của TNG đã lớn hơn tài sản ngắn hạn 32,48 tỷ đồng và dòng tiền từ kinh doanh của DN này âm 226,41 tỷ đồng.
Chưa rõ TNG cũng như nhiều DN sẽ xoay xở thế nào để có tiền hoạt động cũng như trả cổ tức, nhưng theo đánh giá của ông Triệu, nếu DN dùng cách vay tiếp để bù đắp, rất có khả năng họ sẽ rơi vào thế sa lầy mới.
Chỉ cần những khoản nợ chất chồng và nguy cơ nợ quá hạn gia tăng, DN rất dễ rơi vào cảnh dừng hoạt động và chịu áp lực phá sản. Câu chuyện Dược phẩm Viễn Đông là một minh chứng, rằng phá sản không phải đến từ ý chí chủ quan của DN, mà có khi đến từ các chủ nợ. Trong những trường hợp này, cổ đông không chỉ mất cổ tức, mà có khi mất hết vốn đầu tư.
Từ câu chuyện nợ cổ tức, một sự thật đã được hé lộ. Đó là kể cả khi DN báo cáo có lãi, thậm chí lãi cao, nhưng chưa chắc đã có tiền trả cổ tức. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc DN phải chú ý hơn đến dòng tiền và quản trị dòng tiền hiệu quả, thay vì cứ chạy đua làm đẹp các con số tài chính. Với nhà đầu tư, việc lựa chọn cổ phiếu cũng rất nên cân nhắc yếu tố này.