Hiện, UBCKNN vẫn chưa có hướng dẫn niêm yết cụ thể cho doanh nghiệp FDI, do lo ngại phần sở hữu của cổ đông sáng lập có thể bị rút vốn sau khi lên sàn.
Theo các cơ quan quản lý, vấn đề xử lý sở hữu nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI cần phải xem xét thận trọng, đảm bảo vừa khuyến khích được dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua thị trường chứng khoán, nhưng cũng kiểm soát được vấn đề sở hữu nước ngoài.
Hướng dẫn: còn chờ
Lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận vài doanh nghiệp FDI đã niêm yết cổ phiếu. Tuy nhiên, số trường hợp chưa thể niêm yết dù đầy đủ điều kiện vẫn còn nhiều.
Nửa cuối năm 2017, thị trường chứng khoán Việt đón nhận thông tin niêm yết cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp phụ trợ như: Nhựa Hà Nội, Phụ tùng máy số 1, CTCP Seoul Metal Việt Nam (SMV).
Trong khi Nhựa Hà Nội và Phụ tùng máy số 1 đã được giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán là NHH và FT1, thì SMV vẫn chưa nhận được quyết định niêm yết, dù đã nộp hồ sơ niêm yết trên HoSE.
Trả lời về vấn đề này, đại diện phía HoSE cho biết, việc SMV vẫn chưa được chấp thuận niêm yết là do rơi vào trường hợp đặc biệt là doanh nghiệp FDI.
Tại các quy định trước đây, phần vốn không thuộc sở hữu của cổ đông sáng lập được niêm yết, nhưng quy định mới hiện nay không đề cập tới trường hợp này. Do đó, phải có ý kiến của UBCKNN và các bên liên quan thì HoSE mới có quyết định chấp thuận hay không chấp thuận cho SMV niêm yết.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp FDI được niêm yết gây lo ngại về vấn đề cổ đông sáng lập bán cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, nên cần một quy định rõ ràng để áp dụng chung cho các doanh nghiệp có gốc FDI muốn lên sàn.
Hồi đầu năm 2018, một thành viên mới của khối FDI là CTCP Công nghiệp Ngũ kim Fortress Việt Nam (Vietnam Fortress Tools) – thành viên của Tập đoàn Formosa Tools, hé lộ chủ trương muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Kỳ vọng có thể niêm yết trong quý II/2018, tuy nhiên đến nay, công ty này vẫn chưa được giao dịch do quá trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ kéo dài hơn dự kiến, do phải chờ đợi thể chế từ các cơ quan chức năng.
Việc sớm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp FDI niêm yết sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, bởi số lượng doanh nghiệp FDI có nhu cầu niêm yết khá lớn.
Theo một vài ý kiến, việc tham gia niêm yết của các doanh nghiệp này không những sẽ góp phần gia tăng mức vốn hoá cho thị trường chứng khoán, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của các doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội để thu hút các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua thị trường chứng khoán.
Câu hỏi về tính minh bạch
Trong nhiều năm trở lại đây, không ít cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI đã được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chẳng hạn như công ty cổ phần (CTCP) Gạch men Chang Yih (CYC), CTCP Full Power (FPC), CTCP Mirae (KMR), CTCP Công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR), CTCP Công nghiệp Tung Kuang (TKU), CTCP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (TYA), CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT), CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) và CTCP Thực phẩm quốc tế (IFS)…
Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng có nhiều biến động, từ mức giá 30.000 đồng – 40.000 đồng/cp ngày chào sàn đã lao dốc xuống chỉ còn quanh mốc mệnh giá (10.000 đồng/cp). Thậm chí, một số cổ phiếu đã phải buộc phải hủy niêm yết như IFS, FPC, CYC…
Sự giảm giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này, phần lớn đến từ những khoản lỗ lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, có việc thua lỗ do thủ thuật chuyển giá.
Theo một chuyên gia chứng khoán, kết quả làm ăn yếu kém của nhiều doanh nghiệp FDI niêm yết là một ẩn số đối với các nhà đầu tư, bởi đang trong tình trạng thua lỗ hoặc lãi ít, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất với quy mô lớn hơn.
Ngoài ra, một trong những cái tên gây chú ý trên sàn chứng khoán của khối doanh nghiệp FDI như EVE của Everpia Việt Nam. Bắt đầu chuyển đổi thành mô hình CTCP vào năm 2007, gọi thêm vốn cổ phần và niêm yết vào năm 2010.
Ngay sau khi lên sàn, EVE không chỉ tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường niêm yết Việt Nam, mà còn tích cực vay vốn tại các ngân hàng thương mại, bên cạnh đó là lùm xùm liên quan đến hoạt động chuyển giá và làm giá cổ phiếu.
Cần lưu ý, đặc điểm chung của các doanh nghiệp FDI trên sàn chứng khoán là cổ đông sáng lập đều vẫn giữ quyền chi phối công ty, chiếm các vị trí chủ chốt trong hội đồng quản trị và kiêm nhiệm chức vụ quản lý, lượng khách hàng chủ yếu là các công ty nước ngoài, hoặc các công ty FDI tại Việt Nam.
Đơn cử như trường hợp của SMV, 76% doanh thu đến từ đối tác Samsung, 11% là đối tác Hàn Quốc khác như LG, 13% là đối tác Nhật Bản. Trường hợp của EVE cũng tương tự, doanh nghiệp này xuất khẩu đến 70% với thị trường chủ lực là Hàn Quốc.
Như vậy, đã xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp FDI lợi dụng thị trường chứng khoán để huy động – nhưng thực chất là lợi dụng, chiếm dụng – vốn của nhà đầu tư.
Đó là mục đích rõ ràng không tốt và chắc chắn không phải mục tiêu của cơ quan quản lý khi đồng ý cho các doanh nghiệp FDI lên sàn. Vấn đề là ngăn chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI đang không phải là việc của cơ quan quản lý chứng khoán, mà là của hệ thống các cơ quan quản lý khác như thuế, công thương, tài chính, kiểm toán…