Cùng với cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu ngành ngân hàng đã góp sức dẫn dắt VN-Index qua “vùng nguy hiểm” trước nguy cơ trở về dưới 1.000 điểm sau Tết cổ truyền Nguyên đán. Hiện nay, VN-Index có vẻ đã vững vàng hơn ở mức trên 1.100 điểm.
Tăng trưởng mạnh trên sàn
Trong top 20 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện tại, có không ít tên tuổi các ngân hàng. Trong đó, VCB, CTG, BID là những cái tên thường trực trong top vốn hóa lớn. Và gần đây, blue-chips “đại bự” còn có thêm VPB, HDB.
Theo thống kê của TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia Kinh tế – Đầu tư, mức tăng giá bình quân của cổ phiếu ngân hàng niêm yết chính thức (không bao gồm cổ phiếu trên UPCoM) từ tháng 1/2017 đến tháng 3/2018 với 10 mã không bao gồm HDB do cổ phiếu này mới niêm yết vào đầu tháng 1/2018, đã đạt 115%. “Đây là con số tăng trưởng đáng kinh ngạc”, TS. Đinh Thế Hiển nhận định.
Mặc dù trước đó, cũng theo chuyên gia này, thị trường đã sớm dự báo được cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh do những nhận định về M&A sẽ tiếp tục chuyển động trong ngành, hệ thống ngân hàng cũng có thêm các thông tin chính sách hỗ trợ tích cực hơn như quy định về nới room khối ngoại hay cho phép xử lý nợ xấu…
Nếu gộp thêm HDB, tăng trưởng bình quân của cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2018 tính đến ngày 10/3, đạt mức 36%.
“Bên cạnh đó, cũng có tin “hành lang” là cổ phiếu ngân hàng sẽ thực sự trở lại ngôi vua, khi nhìn vào kết quả lợi nhuận rất tích cực của mỗi một nhà băng ở cuối 2017”, TS. Đinh Thế Hiển nói.
Nhà đầu tư lớn tìm cơ hội gom hàng
Từ trên sàn niêm yết, nhìn rộng ra OTC, sự “săn đuổi” cổ phiếu TCB của Techcombank ở mức giá cao 100.000đ/cp cũng được xem là một “ca” khó tin, mặc dù TCB liên tục đưa thông tin sạch nợ, lợi nhuận dự báo tăng đột biến với mục tiêu tới 10.000 tỷ đồng năm nay… “Ca” khó tin này càng tăng thêm độ kịch tính khi quỹ Warburg Pincus rót tới 370 triệu USD để đầu tư chiến lược.
Tại một Hội nghị đầu tư quốc tế diễn ra mới đây ở TP.HCM, sự “hội ngộ” của các cổ phiếu ngành ngân hàng chiếm ưu thế gần như tuyệt đối so với các doanh nghiệp ngành khác, và có lẽ nếu có ngang bằng về số lượng, chỉ có bất động sản là có thể so đọ. Theo đó, các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, MBBank, VPBank, HDBank, ACB,… đều đã giới thiệu và tiếp xúc với các nhà đầu tư quốc tế.
Tại thời điểm hiện nay, có một điểm khá thuận lợi cho “sóng” đầu tư từ các tổ chức hứa hẹn dâng cao: Những ngân hàng “hút hàng” trên sàn chứng khoán như VPBank, HDBank… đều đang để ngỏ “vai” cổ đông nước ngoài với tỷ lệ sở hữu trên 5%.