Nguồn cung tăng mạnh
Vào tháng 7 tới, khách sạn DLG Đà Nẵng sẽ khai trương trên đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Được xếp hạng 5 sao, khách sạn DLG Đà Nẵng có 243 phòng, sáu nhà hàng và hai hồ bơi có trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại.
Trong thời gian này, khách sạn 5 sao Hilton Đà Nẵng do tập đoàn Hilton Worldwide Hoa Kỳ quản lý và khai thác cũng sẽ khai trương trên đường Bạch Đằng, quận Hải Châu. Hiton Đà Nẵng có quy mô 29 tầng, bổ sung cho thị trường 223 phòng nghỉ cao cấp.
Theo thống kê, trong năm tháng đầu năm 2018, hàng trăm phòng khách sạn tại Đà Nẵng đã được các đơn vị giới thiệu ra thị trường. Đơn cử, khách sạn 4 sao New Orient Hotel Danang đã khai trương vào cuối tháng 3 trên đường Đồng Đa, quận Hải Châu, với quy mô 100 phòng nghỉ. Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng CocoBay Đà Nẵng khai trương khu khách sạn mới với thương hiệu Pulse Hotels gồm 160 phòng. Tính đến nay, Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng CocoBay đã đưa bốn khu khách sạn vào khai thác với các thương hiệu Latido, Bisou, Muze và Pulse, cung cấp cho thị trường tổng cộng 1.120 phòng nghỉ.
Bên cạnh đó, khách sạn năm sao Marriott Courtyard nằm ngay cạnh khách sạn Hilton đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, cung cấp 288 phòng nghỉ.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng, tình hình phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch (chủ yếu là khách sạn) trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian qua đã tăng nhanh. Năm 2011, toàn thành phố chỉ có 260 cơ sở lưu trú với 8.736 phòng thì đến năm 2017 đã tăng lên 693 cơ sở lưu trú với 28.780 phòng. Dự báo giai đoạn 2018-2020 tăng trưởng rất mạnh so với những năm trước, trung bình mỗi năm tăng khoảng 86 cơ sở với 6.000 phòng.
Theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, hiện phân khúc khách sạn 3 sao chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn cung với 45%, khách sạn 4 sao (27%) và khách sạn 5 sao chiếm 28%. Trong khi đó, theo báo cáo của Savills Việt Nam, năm 2018 thành phố Đà Nẵng sẽ có thêm khoảng 2.300 phòng khách sạn thuộc phân khúc 4 sao và 5 sao gia nhập thị trường. Nếu tính nguồn cung khách sạn từ 3 đến 5 sao thì Đà Nẵng đang có khoảng 101 cơ sở với khoảng 11.800 phòng. Riêng phân khúc khách sạn 5 sao được Savills đánh giá đang hoạt động tốt kỷ lục tại Đà Nẵng.
Hơn nữa, nắm bắt các cơ hội làm ăn lớn nhờ những ảnh hưởng tích cực của Diễn đàn APEC cuối năm ngoái, làn sóng đầu tư xây dựng khách sạn 1-3 sao cũng đã diễn ra mạnh mẽ tại thành phố Đà Nẵng trong hai năm qua. Hiện Đà Nẵng có hơn 500 cơ sở lưu trú từ 1-3 sao với hơn 14.000 phòng; nhiều tuyến đường gần biển của các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn liên tục xuất hiện những khách sạn mới.
“Con đường khách sạn”
Con đường dọc biển Đà Nẵng thuộc hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn hiện nay đang được xem là “con đường khách sạn” với hàng loạt khách sạn từ 1 – 5 sao mọc lên như nấm sau mưa. Theo quan sát của Thị trường Địa ốc, dọc tuyến đường ven biển Đà Nẵng, từ dưới chân núi Sơn Trà kéo đến đường Hồ Xuân Hương, quận Ngũ Hành Sơn có hàng trăm khách sạn đã mọc lên chỉ trong vài năm vừa qua.
Điều đáng nói là khách sạn mọc lên khắp nơi, ở cả các tuyến đường nhỏ. Đơn cử tại khu vực đường Hà Bổng (đoạn từ Dương Đình Nghệ đến Hà Chương), khu vực An Cư, khách sạn từ 1-3 sao mọc lên dày đặc.Trong khi đó, các tuyến đường này chỉ rộng từ 5,5 – 7,5 mét nên lúc nào xe cộ cũng kẹt cứng.
Cụ thể, với con đường Phan Bôi rộng 5,5 mét, dài hơn 100 mét hiện có hai khách sạn 7 – 9 đang thi công và 3 khách sạn nhỏ đang hoạt động. Đường Hà Bổng chỉ dài 300 mét nhưng hiện có hơn 50 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động khiến tình trạng ô tô kẹt cứng thường xuyên xảy ra. Đường Dương Đình Nghệ rộng 7,5 mét cũng thường quá tải tương tự bởi khách sạn mọc lên dày đặc. Các con đường như An Thượng 3, 30, 31, 32, Đỗ Bá, Lê Quang Đạo, Trần Quang Đạo… cũng dày đặc các khách sạn cũ hoặc đang xây dựng.
Bên cạnh đó, chỉ riêng con đường Võ Nguyên Giáp đang có hơn 70 khách sạn cao cấp đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Đoạn đường từ công viên biển Đông đến bán đảo Sơn Trà cũng đang có nhiều dự án khách sạn 5 sao bắt đầu mọc lên.
Thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng cho thấy chỉ riêng quận Sơn Trà đã có 175 khách sạn với gần 7.000 phòng và 100 nhà nghỉ, trong đó phần lớn là khách sạn từ 1-3 sao. Sự xuất hiện ồ ạt của khách sạn, nhà nghỉ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, nhất là vào mùa thấp điểm. Công suất phòng trung bình của những khách sạn này chỉ khoảng từ 40 – 45%. Tuy nhiên, mùa cao điểm hay mùa lễ tết, các khách sạn luôn kín phòng. Điều này chứng tỏ vẫn còn dư địa cho phân khúc khách sạn phát triển tại Đà Nẵng.
Cần quản lý chặt chẽ
Tuy nhiên, với sự phát triển không theo một quy hoạch nào của “con đường khách sạn” cũng như các khách sạn trên nhiều tuyến đường của thành phố, mới đây Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất lãnh đạo thành phố nên có giải pháp bằng “hàng rào kỹ thuật” để hạn chế xây dựng ồ ạt cơ sở lưu trú du lịch và các loại hình lưu trú khác.
Theo đề xuất này, thành phố cần bổ sung các loại hình cơ sở lưu trú du lịch và quy định tiêu chí xây dựng cụ thể đối với từng loại hình cho phù hợp quy hoạch. Trên cơ sở đó, hạn chế những loại hình cơ sở lưu trú không được thành phố khuyến khích phát triển.
Trong khi đó, tại các buổi tiếp dân ở hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn mới đây, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết việc tăng trưởng du lịch là xu hướng tất yếu vì thành phố chọn đó là ngành kinh tế mũi nhọn nên giờ chỉ có cách làm sao định hướng xây dựng cơ sở lưu trú cho phù hợp trên toàn địa bàn thành phố. Theo đó, hiện thành phố đang khẩn trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và điều chỉnh quy hoạch chung. Trong đó có nội dung về tập trung phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
“Quan điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhận thấy đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại các dự án phục vụ cho du lịch. Các khách sạn cần phải hạn chế lại để làm tốt hơn các hạ tầng, làm tốt hơn tính chuyên nghiệp trong phục vụ du lịch”, ông Nghĩa nói và cho biết thêm không thể đưa ra quy định cấm xây dựng khách sạn vì người dân được quyền kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, “hàng rào kỹ thuật” để hạn chế việc xây dựng tập trung quá nhiều khách sạn ở một khu vực là thành phố sẽ ban hành các chỉ tiêu kiến trúc, quy hoạch xây dựng.