Cùng với hiện tượng sụt giảm mạnh về thanh khoản, trên các diễn đàn chứng khoán cũng đang diễn ra tình trạng ngày càng vắng vẻ ý kiến nhà đầu tư. Tại diễn đàn Vietsotock – địa chỉ được xem là xôm tụ nhất về số lượng và tính đa chiều, đa dạng của nhà đầu tư – nay cũng chỉ còn lèo tèo chưa đến mười ý kiến cho một phiên giao dịch, so với bình quân 50-70 ý kiến, có lúc cao điểm lên đến hàng trăm ý kiến vào giai đoạn thị trường phục hồi ngắn hạn từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2011.
Khá dễ hiểu là liên tục các đoạn dao động ngang của chỉ số hai sàn đã làm nản lòng quá nhiều người, đến mức họ không còn tâm trạng đâu mà tham gia bình luận, nhận xét. Ngay cả chuyện phân tích, tranh luận về bắt đáy cũng thưa hẳn. Điểm số thị trường có vẻ như không còn quá quan trọng, mà nguy cơ lớn nhất lại đang thuộc về tính thanh khoản cùng tâm lý mòn mỏi cạn kiệt tương lai của nhà đầu tư. Có lẽ đó mới thực sự là mối nguy hiểm đối với thị trường.
Với phần lớn nhà đầu tư, sự cảnh báo tiếp nối không ngừng nghỉ của hoạt động nhận định thị trường từ khối các công ty chứng khoán, tổ chức phân tích độc lập và cả báo chí đã không mấy có tác dụng, nếu không muốn nói là bị phản tác dụng.
Từ đầu năm nay, khi chỉ số VNI bắt đầu một cơn “hôn mê” mới khi các mã cổ phiếu vốn hóa siêu lớn bị nhà tạo lập thị trường làm giá, những cảnh báo đã xuất hiện về rủi ro tiềm ẩn ở phía trước.
Song trong nhận thức của không ít nhà đầu tư, đó chỉ đơn thuần là thủ thuật đánh xuống của các công ty chứng khoán thông qua công cụ nhận định, dự báo thị trường.
May mắn thay, vẫn còn những nhà đầu tư giữ được óc tỉnh táo trong cơn hôn mê sâu của chỉ số. Sự ủng hộ của những nhà đầu tư này đối với chúng tôi về quan điểm phân tích và dự báo xu hướng đã được thực tế xác nghiệm: suốt trong giai đoạn các tháng 3-4-5/2011, nhà tạo lập thị trường liên tiếp kéo ngang chỉ số để xả hàng, và kết thúc bằng một đợt bán giải chấp lớn khiến thị trường gần như sụp đổ. Những nhà đầu tư duy trì quan điểm thận trọng đã không bị sa lầy, bảo toàn được đồng vốn của mình.
Cũng như đại đa số các nhà đầu tư, những người nhận định thị trường đều mong muốn thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng, phát triển với độ bền vững cao, tạo được niềm tin ổn định cho nhà đầu tư và hướng đến mục tiêu thật sự trở thành một kênh huy động vốn, dẫn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và cho xã hội nói chung.
Nhưng thực trạng của thị trường từ hơn một năm qua lại phản ánh một quan điểm phản mục tiêu trên: cổ phiếu không những không được mua vào mà còn bị bán tháo trong nhiều giai đoạn – hệ quả đương nhiên của một chiến dịch đánh xuống – khiến cho quá nhiều nhà đầu tư phải chịu cảnh gần như trắng tay, cũng như dẫn đến hậu quả xã hội quá ư trầm trọng – hàng loạt vụ tự tử và tâm thần.
Trong bối cảnh đó, chúng ta – nhà đầu tư và người phân tích – cần tỏ thái độ bi quan hay vẫn phải lạc quan? Thật ra, “bi quan” hay “lạc quan” chỉ là những thuật ngữ chuyên môn liên quan đến xu hướng thoái trào hay tăng trưởng của thị trường. Với tác giả phân tích và dự báo, vấn đề không phải là bi quan hay lạc quan mà là nhận định, dự báo có phản ánh đúng thực chất của thị trường hay không.
Trong trường hợp thị trường có tín hiệu phục hồi như giai đoạn cuối tháng 11 – giữa tháng 12/2010, chúng ta có thể xác lập thái độ lạc quan thận trọng, căn cứ vào động thái đánh lên hoàn toàn không bình thường của nhóm tạo lập thị trường.
Nhưng từ đó đến nay, khi đồ thị thanh khoản liên tiếp giảm sút cùng với đồ thị chỉ số, mức thận trọng cũng cần được nâng lên tương ứng. Bởi con đường của chứng khoán luôn trải đầy các loại bẫy đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Một sự thật không thể phủ nhận được hiện nay là dù mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm đến mức kinh khủng, giá nhiều cổ phiếu còn nằm dưới đáy khủng hoảng tháng 2/2009 của chúng, nhưng lực cầu vẫn thờ ơ. Không chỉ là sự thờ ơ của khối nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà đáng lo nhất vẫn là việc đứng ngoài của lực cầu tổ chức. Sự thật này, trong khi ngày càng xa vời đối với xu hướng phục hồi của thị trường, thì lại mỗi lúc thêm gần gũi với xu hướng thoái vốn.
Kịch bản đánh lên nhằm xả hàng giải chấp với giá cao, đồng thời duy trì quá trình thoái vốn đang được thực tế hóa trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6/2011 đến nay. Nếu vào giữa tháng 6/2011, một cuộc khảo sát của Vietstock còn cho thấy có đến một nửa số nhà đầu tư cho rằng thị trường đã lập đáy dài hạn, thì đến nay tỷ lệ đó chỉ còn khoảng 30%.
Trong thực tế, chỉ số HNX đã phá đáy cũ 69 điểm – lại một lần nữa phá đáy. Thời điểm này cũng vô tình trùng với việc hai chỉ số chứng khoán Mỹ là Dow Jones và S&P500 phá đáy ngắn hạn, bất chấp thỏa thuận nâng trần nợ công đã được lưỡng viện trong Quốc hội Mỹ thông qua.
Trong khi xu thế đi xuống của chứng khoán thế giới đang ngày càng rõ nét và là tín hiệu không khả quan ít ra trong nửa cuối năm 2011, chứng khoán Việt Nam cũng đầy ắp những nỗi lo về một tương lai u ám, hoàn toàn u ám.
Trong nhận định thị trường vào thời điểm tháng 4/2011, chúng tôi đã dự báo một số cổ phiếu có khả năng giảm tiếp ít nhất 30% nữa. Đến tháng 5/2011, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bị thiệt hại nặng nề. Còn giờ đây, với thực trạng thị trường và rủi ro quá lớn về thanh khoản, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt không chỉ với nguy cơ giảm giá cổ phiếu mà cả rủi ro mất thanh khoản trong trường hợp thị trường có thể bị “bỏ rơi”.
Vậy có nên hô hào lạc quan để nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp tục mất thêm ít nhất vài chục phần trăm vốn liếng nữa trong thời gian tới?