Đây là một trong các nội dung trong Thông tư số 15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22 quy định việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2-8-2018.
Cụ thể, theo quy định mới tại Thông tư số 15, ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó phải có các nội dung như quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro theo đánh giá của các ngân hàng nhằm phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp.
Các ngân hàng cũng phải quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định các ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Lý do siết lại việc mua trái phiếu doanh nghiệp, theo Ngân hàng Nhà nước là nhằm phù hợp với các quy định hiện hành khác của pháp luật liên quan và tình hình thực tế về hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng. Ngoài ra cũng nhằm để tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, thời gian qua, ngoài việc cho vay thông thường nhiều ngân hàng còn lách giới hạn tín dụng để cho vay thông qua hình thức mua trái phiếu của doanh nghiệp.
Ngân hàng lách cho vay thông qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp có thể thu được lãi suất cao hơn. Tuy nhiên hình thức này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Chưa kể, cho vay theo các gói tín dụng thông thường, các ngân hàng thường thu hồi nợ gốc và lãi theo định kỳ hàng tháng hoặc quý, do vậy cũng kiểm soát việc sử dụng vốn chặt chẽ, thường xuyên hơn.
Trong khi đó, nợ lãi trái phiếu thường trả theo năm và nợ gốc thì trả vào cuối thời hạn, do vậy rủi ro khả năng thu hồi vốn cao hơn vì dồn nghĩa vụ trả nợ lớn vào một thời điểm. Rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, quá hạn trả nợ, nợ xấu, mất vốn… theo đó cũng cao hơn do vậy Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định để siết lại.