Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định.
Thông tư này được coi là biện pháp mạnh tay của Cơ quan thanh tra NHNN để ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo, minh bạch hóa nguồn vốn góp của cổ đông của tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó.
Theo quy định tại Thông tư 06/2016 (trước đó là Thông tư 36/2014), các NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công công ty con của ngân hàng đó.
Tỉ lệ nắm giữ của ngân hàng thương mại tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết.
Các ngân hàng thương mại đang nắm cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm.
Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06, trước ngày 30.6.2019, tổ chức tín dụng khác phối hợp với cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập Kế hoạch khắc phục đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).
Sau thời hạn chuyển tiếp đối với các trường hợp chưa tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), NHNN áp dụng các biện pháp đối với tổ chức tín dụng có cổ đông lớn và tổ chức tín dụng khác có cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn như sau:
Không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của tổ chức tín dụng.
Cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn không được tăng số lượng cổ phần nắm giữ tại tổ chức tín dụng, chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định; các biện pháp xử lý khác.