– Thưa ông, việc chấp hành nghiêm kỷ luật ngân sách có ý nghĩa như thế nào trong thực hiện chính sách tài khóa và an ninh tài chính quốc gia?
– Ngân sách nhà nước là quỹ tài chính rất quan trọng, theo đó kỷ luật tài chính cũng như kỷ luật về thu chi ngân sách nhà nước, thông qua đó là thâm hụt, bội chi ngân sách nhà nước là vấn đề cần được giữ vững. Ngân sách nhà nước là khoản thu, chi liên quan đến toàn bộ đất nước, được quyết định ở cấp có thẩm quyền. Kỷ luật được củng cố sẽ chứng tỏ được uy tín cũng như khả năng quản lý của Nhà nước. Chúng ta không bảo đảm kỷ luật của chi ngân sách sẽ tác động đến an ninh tài chính, cụ thể ở đây là tiết kiệm chi. Liên quan đến khai thác nguồn thu và đặc biệt liên quan đến thâm hụt ngân sách quá lớn sẽ gây ra mất cân đối kinh tế vĩ mô và ngân sách nhà nước, kéo theo hệ lụy liên quan đến tài chính, kinh tế.
– Vậy tình trạng bội chi luôn cao hơn dự toán được duyệt trong vài năm trở lại đây ở Việt Nam xuất phát từ những nguyên nhân nào, thưa ông?
– Ngân sách chúng ta rất nhiều năm đều thâm hụt và dẫn đến bội chi ngân sách. Chúng ta có đặt ra mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, những năm gần đây chúng ta thấy thâm hụt ngân sách không những không giảm mà còn vượt mức dự toán được thông qua bởi các Nghị quyết của QH hàng năm. Nguyên nhân cơ bản là do khó khăn kinh tế, chúng ta phải sử dụng các biện pháp để kích thích kinh tế, trong đó có sử dụng chính sách tài khóa, cụ thể là chi ngân sách nhà nước, do đó dẫn tới hệ quả tăng thâm hụt ngân sách nhà nước. Vấn đề kỷ luật chi ngân sách nhà nước chúng ta còn lỏng lẻo, các cơ quan giám sát thanh tra vẫn chưa làm tốt việc siết chặt kỷ luật chi ngân sách nhà nước. Nguyên nhân thứ ba là chênh lệch nhu cầu chi và khả năng thu ngân sách nhà nước.
– Theo ông, tại sao hàng năm QH đã ra nghị quyết về mức bội chi, rồi sau đó lại tiếp tục chấp thuận để trần bội chi bị phá vỡ?
– Đây là thực tế, nếu không chấn chỉnh thì vấn đề chúng ta nêu lên về siết chặt kỷ luật chi ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục bị phá vỡ khi mà có những biến động kinh tế vĩ mô cũng như liên quan đến tài chính. Trong quy trình ngân sách, những chỉ tiêu liên quan đến tổng thu, chi ngân sách nhà nước hay mức độ thâm hụt ngân sách nhà nước hàng năm thì đó là chỉ tiêu pháp lệnh. Năm 2013 mức thâm hụt ngân sách đầu tiên dự toán chỉ ở mức 4,8% GDP, sau đó Chính phủ đề xuất do điều kiện khách quan thì chúng ta điều chỉnh lên 5,3% GDP, đến khi quyết toán lại lên tới 6,6% GDP. Rõ ràng ở đây kỷ luật ngân sách chúng ta chưa nghiêm. Song, việc tăng thâm hụt ngân sách có thể do yếu tố khách quan. Do đó, tôi cũng hiểu là lý do tại sao UB Tài chính – Ngân sách hay Quốc hội cũng phải chấp nhận thực tế chúng ta chi vượt mức cho phép. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu chúng ta đã xác định được mức thâm hụt ngân sách thì sẽ phải siết chặt kỷ luật, đặc biệt liên quan đến khoản chi vượt dự toán thì phải có biện pháp ngăn chặn.
– Theo Bộ Tài chính, thời gian tới áp lực tăng chi rất lớn, trong khi thu ngân sách nhà nước khó có khả năng tăng mạnh để đủ đáp ứng nhu cầu tăng chi. Vậy bài toán cân đối thu – chi cần được giải như thế nào nếu cứ tiếp tục bội chi cao?
– Để bù đắp cho thâm hụt ngân sách thì hiện nay có 2 phương án. Chúng ta đi vay trong nước và vay nước ngoài, song việc vay đó kéo theo nợ công cao. Quy mô nợ công của Việt Nam hiện nay khá lớn, sát trần mức được phép vay. Thâm hụt ngân sách nhà nước cũng là một trong những lý do làm mất cân đối kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, chúng ta có thể xử lý bằng tăng thu ngân sách nhà nước. Nhưng điều này gây ra tăng gánh nặng thu ngân sách nhà nước cho nền kinh tế, doanh nghiệp, xã hội. Về chi ngân sách nhà nước, bản thân theo chi dự toán chưa nghiêm thì chúng ta sẽ rất khó khi nói về hiệu quả chi ngân sách nhà nước. Mặc dù tất cả chúng ta có quy định ở Luật, văn bản dưới Luật khá rõ ràng cụ thể. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vi phạm khá phổ biến, trong thời gian dài thì đáng lo ngại về cả vĩ mô và quản lý ngân sách nhà nước.
– Chúng ta đã có Luật Ngân sách nhà nước và việc tăng cường thực thi Luật có phải là cách hiệu quả để giảm bội chi và tiến tới cân bằng thu – chi không, thưa ông?
– Chúng ta đã có hệ thống pháp lý, vấn đề bây giờ là chúng ta thực hiện quy định như nào. Hiện nay Quốc hội cũng đang bàn về sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước sao cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Tôi cho rằng, trên nền tảng luật và các văn bản quy định cũng như củng cố hệ thống quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, chúng ta nêu cao kỷ luật, công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Đó là biện pháp đồng bộ để siết kỷ luật ngân sách, đặc biệt đưa kỷ luật chi ngân sách nhà nước vào thực tế.
– Vậy, về lâu dài QH cần có những biện pháp quyết liệt như thế nào để chấm dứt tình trạng bội chi ngân sách nhà nước?
– Chúng ta sẽ phải giảm dần mức bội chi ngân sách, tuy nhiên bội chi ngân sách nhà nước không giảm mà còn xu hướng tăng. Theo tôi, Quốc hội sẽ phải quyết định thu, chi ngân sách nhà nước cũng như mức thâm hụt ngân sách nhà nước dựa trên những dự báo đạt mức độ chính xác nhất định, làm sao chúng ta xây dựng mức dự toán trên thực tiễn, có cơ sở khoa học liên quan đến mức thâm hụt ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn phát triển mới, khi chúng ta mở cửa hội nhập, Quốc hội sẽ phải kiểm soát vấn đề ban hành quy định pháp luật mới cũng như việc theo dõi giám sát chấp hành quy định đó liên quan đến kỷ luật chi ngân sách nhà nước để làm sao chi ngân sách nhà nước chúng ta tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất. Từng bước chúng ta phải hướng tới việc giảm bội chi ngân sách, đặc biệt liên quan đến cắt giảm và siết chặt kỷ luật chi ngân sách nhà nước tương ứng với việc thu ngân sách nhà nước khi chúng ta mở cửa hội nhập. Đó là những phương án về trước mắt cũng như lâu dài để chúng ta thực hiện nghiêm minh kỷ luật chi ngân sách nhà nước.
– Xin cảm ơn ông!