Được biết, SHS đang chuẩn bị các thủ tục để trở thành thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh. Công ty đã đáp ứng các điều kiện như thế nào và dự kiến bao giờ sẽ chính thức tham gia thị trường này, thưa ông?
Có nhiều điều kiện mà công ty chứng khoán phải đáp ứng để trở thành thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, có hai điều kiện quan trọng nhất là tỷ lệ an toàn tài chính và quy mô vốn điều lệ.
Đối với tỷ lệ an toàn tài chính, SHS đạt tỷ lệ an toàn tài chính trên 260% liên tục từ tháng 7/2017 đến nay. Theo quy định, ngày 10/7/2018, SHS sẽ nộp Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tháng 6/2018. Như vậy, giữa tháng 7/2018, Công ty sẽ đủ điều kiện để trở thành thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh sau khi nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Về quy mô vốn điều lệ, với kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Công ty 2018 thông qua, SHS sẽ đạt quy mô vốn điều lệ lớn hơn 1.200 tỷ đồng, đảm bảo điều kiện trở thành thành viên bù trừ chung.
Theo tình hình hiện nay, Công ty dự kiến sẽ chính thức tham gia thị trường chứng khoán phái sinh vào cuối năm 2018 như kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trong bối cảnh một số công ty chứng khoán thực hiện giảm phí giao dịch và không ít công ty chưa tham gia thị trường chứng khoán phái sinh đang nỗ lực đáp ứng các điều kiện để cung cấp dịch vụ, SHS có chiến lược gì nhằm thu hút nhà đầu tư?
Từ khi đi vào hoạt động trong tháng 8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh đã ghi nhận tháng thứ 10 tăng trưởng liên tiếp cả về khối lượng và giá trị giao dịch. Trong đó, kết quả tháng 5/2018 tăng đột biến, gấp 2,9 lần về khối lượng và 2,6 lần về giá trị so với tháng trước đó. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán phái sinh có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư, đồng thời cũng là mảnh đất giàu tiềm năng cho hoạt động của các công ty chứng khoán.
Đối với SHS, việc thị trường chứng khoán phái sinh phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn gần đây không ảnh hưởng nhiều đến chiến lược tổng thể của Công ty, bởi chúng tôi luôn kiên định với tôn chỉ “lấy tăng trưởng NAV của khách hàng làm động lực” và nhìn nhận các sản phẩm phái sinh như một công cụ giúp khách hàng thực hiện các nghiệp vụ tự phòng hộ (hedging) để kiểm soát vị thế đầu tư tốt hơn.
Do vậy, chúng tôi sẽ đặc biệt coi trọng công tác chuẩn bị, đào tạo và tư vấn cho khách hàng, thay vì sa đà vào cuộc chiến giảm phí giữa các công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, SHS sẽ chuẩn bị để có một hệ thống giao dịch phái sinh tiện dụng, tích hợp, liên thông với hệ thống giao dịch chứng khoán cơ sở; đào tạo để đảm bảo SHS vẫn duy trì dịch vụ ổn định và linh hoạt, hướng tới sự hài lòng của khách hàng như hiện nay. Đồng thời, tiến hành tư vấn để chiến lược giao dịch phái sinh đạt hiệu quả cao nhất, nhất quán với vị thế đầu tư trên thị trường chứng khoán cơ sở của khách hàng.
Tất nhiên, chúng tôi sẽ có chiến lược giá phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh để đảm bảo lợi ích cho khách hàng giao dịch tại SHS.
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán phái sinh chia sẻ, họ quan tâm đến những công ty chứng khoán có hệ thống giao dịch nhanh và tiện lợi, chẳng hạn bảng giá kết hợp đồ thị chỉ số và ô đặt lệnh giao dịch, cũng như có các bản tin phân tích hàng ngày để tham khảo. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này tại SHS?
Thị trường chứng khoán phái sinh yêu cầu tốc độ, tính kịp thời cũng như hệ thống quản trị rủi ro chính xác và có tính tự động hóa cao. Ngoài ra, như đã trình bày ở trên, hệ thống giao dịch phái sinh phải đảm bảo tính tiện dụng, tích hợp, liên thông với hệ thống giao dịch chứng khoán cơ sở để thực hiện vai trò hedging cho vị thế đầu tư của chứng khoán cơ sở.
Nhận thức rõ các yêu cầu này, SHS coi đây là yếu tố bắt buộc khi xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh. Chúng tôi cho rằng, quan điểm này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của khách hàng đối với sản phẩm chứng khoán phái sinh.
Từ khi thị trường chứng khoán phái sinh khai trương đến nay, thanh khoản cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia ngày càng tăng, nhưng thống kê cho thấy, sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức còn hạn chế. Ông có nhìn nhận gì về thực tế này? Được biết, SHS có nhiều khách hàng là nhà đầu tư tổ chức, khả năng tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh của họ như thế nào?
Trên thị trường phái sinh hiện nay, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm gần như tuyệt đối. Dù chưa có số liệu của tháng 5/2018, nhưng thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 4/2018 cho thấy, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 98,31% tổng khối lượng giao dịch, nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm khoảng 0,43%, hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán chỉ chiếm 1,09%. Các con số này trong quý I/2018 lần lượt là 98%, 1,81% và 1,59%.
Tôi cho rằng, thực tế này xuất phát từ một số nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, trong giai đoạn vừa qua, tỷ suất lợi nhuận đầu tư chứng khoán cơ sở nhìn chung không thấp hơn chứng khoán phái sinh, do đó có giai đoạn cả thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán cơ sở đều có những bước tăng trưởng ấn tượng.
Thứ hai là về tần suất giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức. Các nhà đầu tư tổ chức về cơ bản không tham gia giao dịch hàng ngày quá nhiều mà có xu hướng nắm giữ danh mục đầu tư với chu kỳ dài hơn.
Thứ ba là quy mô và thanh khoản toàn thị trường chứng khoán phái sinh còn hạn chế, chưa thực sự phù hợp để các nhà đầu tư tổ chức giao dịch.
Với các nhà đầu tư tổ chức tại SHS, sau khi chính thức tham gia thị trường chứng khoán phái sinh vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá lại quy mô và xu hướng thị trường để tư vấn cho họ hiệu quả. Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư tổ chức này sẽ tham gia thị trường nếu thời điểm phù hợp và quy mô thị trường đủ lớn.
Giao dịch chứng khoán phái sinh có mức độ rủi ro cao, nhưng có cơ hội đạt được mức lãi lớn trong thời gian ngắn, vậy Công ty có thực hiện nghiệp vụ tự doanh?
Chúng tôi coi trọng tính ổn định của hệ thống, cũng như hướng tới một danh mục đầu tư cân bằng và sinh lợi bền vững. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán phái sinh phát triển tới quy mô và thanh khoản phù hợp, Công ty sẽ cân nhắc phân bổ một phần nguồn lực cho nghiệp vụ tự doanh chứng khoán phái sinh nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập, nhưng quan trọng hơn là thực hiện nghiệp vụ hedging cho danh mục đầu tư chứng khoán cơ sở của chúng tôi.
Để hạn chế rủi ro cho Công ty cũng như cho khách hàng, SHS có giải pháp gì?
Để hạn chế rủi ro cho khách hàng, chúng tôi tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất là các giải pháp về hệ thống giao dịch. Hệ thống giao dịch cũng như bảng giá phải được liên thông giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh. Tính ổn định, tiện dụng, tốc độ đặt lệnh và khả năng chịu tải là những yêu cầu tiên quyết khi chúng tôi tiến hành nâng cấp hệ thống trong thời gian sắp tới.
Thứ hai là các giải pháp về tư vấn đầu tư. Chúng tôi chú trọng vào tính kịp thời và bảo toàn NAV cho khách hàng trong các sản phẩm tư vấn của mình. Với cách tiếp cận này, Công ty sẽ giúp khách hàng duy trì được vị thế cân bằng với tỷ trọng hợp lý giữa các sản phẩm.
Thứ ba là các giải pháp về quản trị rủi ro toàn hệ thống. Chúng tôi thực hiện quản trị rủi ro tập trung, trước, trong và sau khi giao dịch; thực hiện thu thập và phân tích dữ liệu về cơ sở khách hàng của chúng tôi từ quy mô tài sản cho đến tập tính giao dịch, đầu tư… để có thể cung cấp cho từng khách hàng những sản phẩm phù hợp nhất với khẩu vị rủi ro của họ.
Diễn biến giá chứng khoán phái sinh (hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu) gắn chặt với diễn biến chỉ số VN30. Theo ông, khả năng biến động của chỉ số này từ nay đến cuối năm ra sao?
Tôi lạc quan một cách thận trọng đối với tình hình nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm, cũng như kết quả kinh doanh của các công ty trong VN30. Vì vậy, với tiền đề đó, tôi cho rằng, từ nay tới cuối năm, chỉ số VN30 sẽ có sự tăng trưởng ổn định nhưng không quá đột biến, có khả năng trở lại và vượt mức đỉnh đã lập trong nửa đầu năm nay.