Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã SHB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2018.
Theo đó, dù vẫn đóng vai trò trụ cột nhưng mảng tín dụng kỳ này chỉ mang về cho ngân hàng khoản lãi 1.098 tỷ đồng, giảm 7% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần đạt 2.171 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,1%.
Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng giảm tới 54,4% so với cùng kỳ, xuống gần 50 tỷ đồng, nâng lũy kế lợi nhuận mảng này từ đầu năm lên 105 tỷ đồng, giảm 42%.
Mảng kinh doanh ngoại hối kỳ này tiếp tục ghi nhận lỗ, dù giảm lỗ so với cùng kỳ, ở mức gần 1 tỷ đồng.
Mua bán chứng khoán đầu tư chính là điểm sáng trong kỳ khi mang về khoản lãi lên tới 235 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, mảng này mang về cho ngân hàng gần 264 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động khác đạt gần 22 tỷ đồng, so với mức lỗ gần 29 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Chi phí hoạt động trong kỳ tăng nhẹ 6,1%, lên 678 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng tới 81,2%, lên 183 tỷ đồng.
Dù vậy, nhờ lãi đột biến từ mảng mua bán chứng khoán đầu tư nên kết thúc quý II/2018, SHB vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 542 tỷ đồng, tăng nhẹ 9,5% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 1.045 tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ. Với kết quả này, SHB đã hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận năm (2.050 tỷ đồng).
Tính đến cuối tháng 6/2018, tổng tài sản của SHB đạt 303.831 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm.
Cho vay khách hàng tăng nhẹ 5%, lên mức 208.360 tỷ đồng trong khi tiền gửi của khách hàng tăng tới 12,7%, lên 219.651 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng vẫn ở mức khá cao, tới 94,9%.
Trong khi đó, tiền gửi và vay của các TCTD khác tại ngân hàng lại giảm mạnh tới 22,5%, xuống còn 41.064 tỷ đồng. Trong kỳ, ngân hàng đã phải phát hành thêm hơn 2 nghìn tỷ đồng giấy tờ có giá để thu xếp nguồn vốn phục vụ hoạt động tín dụng.
Về chất lượng cho vay, hiện ngân hàng đang có tổng nợ xấu là 5.625 tỷ đồng, tăng 21,7% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 3.273 tỷ đồng, tăng 14,2% và chiếm 58,2% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng theo đó cũng tăng khá mạnh, từ mức 2,34% đầu năm lên 2,7%/tổng cho vay.