Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa ra quyết định xử phạt 55 triệu đồng đối với CTCP Sản xuất xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (mã KVC) do không báo cáo UBCK và Sở GDCK Hà Nội (HNX) về việc dự kiến giao dịch, kết quả thực hiện giao dịch quyền mua cổ phiếu KVC trong đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2016.
Đáng lưu ý, ngoài KVC, nhiều lãnh đạo cấp cao của DN này và người có liên quan cũng bị xử phạt. Những cá nhân này đều đã gắn bó với KVC cả chục năm nay, bao gồm: Ông Đỗ Hùng – Chủ tịch HĐQT; bà Lê Thị Hồng Hạnh – Phó tổng giám đốc; bà Trần Thị Quỳnh Anh – mẹ bà Hạnh; bà Lê Thị Hồng Quý – chị gái bà Hạnh; 2 thành viên HĐQT khác là ông Đỗ Hòa và bà Đỗ Thị Thu Trang; ông Nguyễn Tăng Minh Đức – Thành viên Ban Kiểm soát. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Chi – Trưởng Ban Kiểm soát và ông Võ Đình Phú – Thành viên HĐQT, đồng thời là chồng bà Trang, cũng bị xử phạt 10 triệu đồng do không báo cáo UBCK và HNX về việc dự kiến giao dịch, kết quả thực hiện giao dịch quyền mua cổ phiếu KVC trong đợt chào bán cổ phiếu năm 2016.
Hơn nữa, đây không phải lần đầu tiên KVC và các lãnh đạo DN này vi phạm quy định trên TTCK và bị xử phạt. Cụ thể, tháng 4 vừa qua, KVC bị phạt 270 triệu đồng vì không công bố thông tin theo quy định các nghị quyết HĐQT, các báo cáo tài chính, các nghị quyết liên quan đến việc mua bán – chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hủy mua đất đối với ông Đỗ Hùng và bà Lê Thị Hồng Hạnh…
Theo đó, bên cạnh nội dung báo cáo không chính xác, KVC còn giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi UBCK có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán. Trước nữa, ông Tăng Minh Đức – Thành viên Ban Kiểm soát KVC đã bị phạt 42,5 triệu đồng do giao dịch “chui” cổ phiếu KVC trong giai đoạn quý II/2017. Cần lưu ý thêm rằng, KVC chịu tình tiết tăng nặng do vi phạm hành chính nhiều lần.
Từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu KVC đã giảm gần 30%, từ mức 2.700 đồng/CP về 1.900 đồng/CP, cũng như giảm 55% so với mức “đỉnh” trong năm 2017 đến nay là 4.200 đồng/CP (giá chốt phiên 8/8/2017).
Không chỉ vậy, nếu theo dõi diễn biến của cổ phiếu KVC kể từ khi niêm yết đến nay, có lẽ không ít nhà đầu tư phải “giật mình”. Từ mức giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên (ngày 14/4/2015) là 20.800 đồng/CP, cổ phiếu KVC đã nhanh chóng leo lên mức hơn 37.000 đồng/CP và rồi cũng rất nhanh lao dốc không phanh về quanh mệnh giá 10.000 đồng/CP. Từ quý III/2016 đến nay, cổ phiếu KVC tiếp tục giảm và hiện ở mức giá “trà đá” là 1.900 đồng/CP.
Xét về hoạt động kinh doanh, KVC duy trì mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khá ổn định trong những năm gần đây, biên lợi nhuận gộp duy trì quanh mức 12%. Giai đoạn 2015-2017, KVC đều không trích lập các quỹ và không chia cổ tức cho cổ đông (trong khi theo kế hoạch cổ tức giai đoạn này lần lượt là 10%, 10% và 5%). Năm 2018, KVC cũng không có kế hoạch chia
cổ tức.
Một giao dịch “chui” cổ phiếu từng “đình đám” trên thị trường là trường hợp của bà Đỗ Thị Cẩm Thúy, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Đá Spilit – mã SPI (bà Thúy làm Chủ tịch HĐQT SPI từ tháng 9/2011 đến tháng 2/2015). Cụ thể, bà Thúy đã mở 1 tài khoản và nhờ 15 cá nhân khác mở 28 tài khoản tại 4 công ty chứng khoán trong khoảng thời gian từ 1/9/2015 đến 13/5/2016.
Sau đó, 29 tài khoản này đã liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu SPI. Với hành vi này, bà Thúy bị phạt hành chính 600 triệu đồng, đồng thời phải nộp lại gần 9,3 tỷ đồng số tiền thu lợi bất hợp pháp. Như vậy, tổng số tiền bà Thúy phải nộp là 9,88 tỷ đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 26/12/2017.
Đáng chú ý, tuy hành vi thao túng giá cổ phiếu SPI của bà Thúy thực hiện sau khi từ nhiệm vai trò lãnh đạo cao nhất tại KVC, nhưng vị này vẫn là người có liên quan đến cổ đông nội bộ KVC khi có con trai là ông Đoàn Quốc Khánh – Thành viên HĐQT SPI. Ngày 12/9/2016, ông Khánh được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT SPI, thay cho ông Nguyễn Đại Quyền và bị bãi nhiệm chức vụ này từ tháng 8/2017.
Giống như KVC, cổ phiếu SPI cũng tăng giảm đột ngột, khi tăng từ mức 2.300 đồng/CP vào đầu năm 2016 lên 14.500 đồng/CP vào cuối tháng 5/2016, sau đó rơi thẳng về quanh 2.000 đồng/CP vào cuối năm 2016. Trong nửa đầu năm 2017, cổ phiếu SPI lại tăng liên tục, đạt 5.500 đồng/CP, trước khi giảm về mức 1.700 đồng/CP như hiện tại.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của SPI rất èo uột, lợi nhuận trong 2 năm 2014 và 2015 đạt chưa đầy 1 tỷ đồng, sang năm 2016 có cải thiện hơn, nhưng cũng chỉ ở mức hơn 1,4 tỷ đồng và năm 2017 là hơn 1,1 tỷ đồng.
Trên thực tế, với các vi phạm về giao dịch cổ phiếu, cũng như công bố thông tin trên TTCK, người chịu thiệt hại trước tiên là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, rồi đến các công ty chứng khoán cấp margin cho các cổ phiếu này và chính bản thân DN, bởi giá cổ phiếu thường lao dốc không phanh sau đó.