Sáng 4/8, tại Hà Nội, Diễn đàn Bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018 đã chính thức khai mạc. Sự kiện do Báo The Leader tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về đầu tư và vận hành, khai thác kinh doanh các dự án bất động sản du lịch biển tại Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, với lợi thế bờ biển dài, an ninh tốt, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển. Nhiều dự án cao cấp được xây dựng dọc theo đất nước, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Trong đó, điển hình là mô hình condotel (căn hộ khách sạn) đã hút đầu tư mạnh trong thời gian qua, giúp tạo ra những khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, đồng bộ tại các thành phố biển nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc. Ước tính, năm 2017 có 12.500 sản phẩm bất động sản du lịch như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tiến hành giao dịch. Sang năm 2018, các giao dịch tập trung sang các điểm sáng như Quy Nhơn, Quảng Bình, Vân Đồn, Bắc Vân Phong…
Ông Hà kiến nghị, để thị trường bất động sản du lịch phát triển bền vững, các cơ quan Nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nên phối hợp xây dựng và ban hành các quy định và văn bản hướng dẫn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng có chỗ đứng riêng.
“Trước đây nói tới thị trường bất động sản, gần như chúng ta chỉ nói tới thị trường nhà ở là chính; Nói về giao dịch, tồn kho, nợ xấu bất động sản, chủ yếu là trong lĩnh vực nhà ở. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, vấn đề bất động sản du lịch đã nổi lên rất nhanh”, ông Khởi nói.
Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, cơ hội để phát triển bất động sản du lịch là rất tiềm năng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vấn đề gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, các nhà đầu tư và nhà quản lý.
Trong đó, vấn đề pháp lý cho loại hình vẫn đang là vướng mắc chính khiến nhiều nhà đầu tư ngần ngại khi đầu tư vào loại hình căn hộ này. “Bất động sản du lịch có nhiều loại, nếu mô hình khách sạn bình thường thì đã có đầy đủ hình thức quản lý, còn đối với những loại hình mà chúng ta vẫn quen gọi là ‘đứa con lai’ như condotel… thì sao?”, ông Khởi đặt vấn đề.
Ông Khởi cho rằng, việc thiếu thống nhất trong việc hiểu đúng khái niệm condotel đã gây ra nhiều rắc rối về tính pháp lý, làm phát sinh nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư với người mua, cùng với đó phát sinh một số thắc mắc của chủ đầu tư đối với cơ quan quản lý như việc cấp sổ đỏ…Vì vậy, cần phải thống nhất và không cần bàn cãi việc “condotel không phải là nhà ở”.
Ông Khởi cũng nêu ra một số vướng mắc lớn đối với loại hình condotel hiện nay như yếu tố cơ sở lưu trú lâu dài, quy chuẩn xây dựng, nghĩa vụ tài chính…“Tất cả các vấn đề nêu trên vẫn đang được bàn thảo, nghiên cứu làm rõ”, ông Khởi cho biết.
Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, phía Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu để có những hướng dẫn cụ thể về từng loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel. “Chúng tôi đang nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành quy định quản lý vận hành condotel, tránh những tranh chấp, mâu thuẫn có thể xảy ra sau này. Hy vọng đầu năm 2019 sẽ có một số văn bản pháp lý để có cơ sở quản lý”, ông Khởi nói.