Ngày 1/6/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 06/2015/TT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phối hợp cổ đông, nhóm cổ đông liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 phải giải quyết trước 31/12/2015. Vậy nhưng, cho đến nay, tình trạng sở hữu chéo vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng đẩy nhanh xử lý sở hữu chéo qua việc chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán, sáp nhập… Tình trạng sở hữu chéo, các nhóm chi phối đã nhận diện được và xử lý, kiểm soát đáng kể, nhóm chi phối ngân hàng đã giảm mạnh. Tuy nhiên, việc xử lý sở hữu chéo gặp khó khăn vì có những trường hợp nhờ người khác đứng tên hộ.
Hiện NHNN đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn.
Theo dự thảo, trước ngày 30/6/2019, tổ chức tín dụng khác phối hợp với cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Sau thời hạn trên, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp đối với tổ chức tín dụng có cổ đông lớn và tổ chức tín dụng khác có cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn như: không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, bổ nhiệm làm tổng giám đốc của tổ chức tín dụng; cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn không được tăng số lượng cổ phần nắm giữ tại tổ chức tín dụng, chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định; các biện pháp xử lý khác.
Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 được đánh giá sẽ sớm chặt “vòi bạch tuộc”, xóa tình trạng sở hữu chéo trong ngành. Luật quy định, trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ tổ chức tín dụng trở lên phải được NHNN chấp thuận. Không những thế, bên mua và bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần…
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế – tài chính nhận định, quy định như vậy sẽ góp phần hạn chế nợ xấu, do sở hữu chéo sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng cho vay “sân sau”.
Để khắc phục sở hữu chéo, Luật Các tổ chức tín dụng 2017 quy định chi tiết về cổ đông lớn và người liên quan để xác định cổ đông thực. Đồng thời, Luật quy định chặt chẽ về chức danh chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và ban điều hành; quy định về giới hạn sở hữu để đại chúng hóa hoạt động của ngân hàng; quy định về góp vốn rõ ràng hơn…
Tiêu chuẩn lãnh đạo tại ngân hàng cũng được siết lại. Người có tiền, sở hữu hoặc thâu tóm lượng lớn cổ phần không có nghĩa là dễ dàng tham gia hội đồng quản trị ngân hàng, mà còn phải đáp ứng yêu cầu về số năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực liên quan.
TS. LS Bùi Quang Tín, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, lãnh đạo ngân hàng đảm nhiệm đồng thời các chức danh tương đương tại doanh nghiệp khác làm cho tình hình sở hữu chéo, sở hữu vòng trong lĩnh vực ngân hàng khó kiểm soát. Trọng tâm của quy định mới là NHNN muốn hạn chế sở hữu chéo, hạn chế tình trạng “sân trước, sân sau” làm lũng đoạn ngân hàng và ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Những quy định mới về các chức danh lãnh đạo tại Luật Các tổ chức tín dụng 2017 được đánh giá sẽ tạo dựng niềm tin về một hệ thống ngân hàng minh bạch, giảm thiểu lợi ích nhóm. Đặc biệt, với những ngân hàng không có hiện tượng sở hữu chéo và bộ máy lãnh đạo chuyên nghiệp sẽ có thêm dư địa để bứt phá trong thời gian tới. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.