Nhưng tình hình bây giờ đã khác. Thị trường lao dốc vừa lâu, vừa sâu, nhà đầu tư không dám mơ tới lợi nhuận từ buôn qua, bán lại. Vì thế, khoản cổ tức từ doanh nghiệp – dù nhỏ, lúc này trở nên có ý nghĩa.
Thực ra, giá trị từ những khoản tiền cổ tức không lớn, nhất là với các cổ đông nhỏ lẻ. Nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp niêm yết đang điêu đứng, thì khoản cổ tức lại mang một ý nghĩa khác, nó như một tín hiệu về sức khỏe của doanh nghiệp, để nhà đầu tư chí ít còn hy vọng nơi họ đã bỏ vốn đầu tư.
Vậy nhưng, liên tiếp những thông báo xin lùi thời hạn thanh toán cổ tức dội đến nhà đầu tư. Có doanh nghiệp xin “khất” 15 – 20 ngày, nhưng cũng có những doanh nghiệp lùi luôn vài tháng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (mã CK: DXG) thông báo lùi thời gian thanh toán cổ tức đến ngày 15/12, thay vì ngày 30/8 như đã công bố trước đó; Công ty cổ phần Sông Đà 6.04 (mã CK: S64) lùi thời gian thanh toán cổ tức từ ngày 31/8 sang ngày 28/12.
Thậm chí, giới đầu tư vừa té ngửa khi Công ty cổ phần Cơ khí Ô tô Hòa Bình (mã CK: AHF, thị trường OTC) đã 6 năm chưa trả cho cổ đông đồng cổ tức nào, như vừa bị các cổ đông “tố”.
Theo phản ánh của các cổ đông của AHF, mặc dù Công ty sở hữu vị trị đẹp tại Hà Nội và có thương hiệu Ô tô Hòa Bình nổi tiếng, nhưng từ khi cổ phần hóa (năm 2005) đến nay, Công ty liên tục báo lỗ.
Tình trạng đó làm các cổ đông của Công ty nghi ngại về năng lực điều hành của Ban lãnh đạo, cũng như liệu có tình trạng thiếu minh bạch, tham nhũng làm thất thoát tài sản của Công ty.
Những vấn đề của AHF sẽ được cơ quan chức năng làm rõ, song vấn đề đặt ra là, vì sao việc một DN sau khi cổ phần hóa đã không trả cổ tức cho cổ đông lại kéo dài suốt 6 năm liên tiếp, mà đến nay vấn đề mới được xới lên? Phải chăng đến bây giờ, các cổ đông mới quan tâm đến số phận khoản đầu tư của mình tại doanh nghiệp này?
Rõ ràng, việc trả cổ tức của doanh nghiệp cổ phần lâu nay còn những điểm bất cập.
Trước hết, về thời hạn trả cổ tức. Có doanh nghiệp nêu lý do khó khăn về tài chính, chưa đủ tiền để trả cổ tức. Song cũng có doanh nghiệp như DXG đưa ra là chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc miễn thuế thu nhập cá nhân từ cổ tức. Tính chính xác và hợp lý của những lý do trên đến mức nào? Ai sẽ kiểm định?
Chẳng hạn, như trường hợp của DXG, nếu e ngại về cách hiểu và tính phần miễn thuế thu nhập từ cổ tức theo Nghị quyết 8/2011/QH13 ngày 6/8/2011 của Quốc hội, DXG vẫn có thể trả cổ tức cho cổ đông và tạm khấu trừ thuế 5% để dự phòng. Nếu sau đó, nhà đầu tư được miễn thuế, thì Công ty có thể hoàn trả lại cho cổ đông phần đã tạm khấu trừ. Nếu thực hiện theo cách như vậy, DXG sẽ chỉ giữ lại 2,4 tỷ đồng (là mức 5% tổng số 48 tỷ đồng cổ tức DXG phải trả cho các cổ đông trong danh sách tại ngày giao dịch không hưởng quyền 27/6/2011).
Nhưng với việc lùi thời hạn trả cổ tức đến ngày 15/12 thay vì ngày 30/8, cả 48 tỷ đồng sẽ vẫn chưa đến tay các cổ đông trong vòng hơn 3 tháng nữa. Vậy nên, các cổ đông có lý do khi đặt câu hỏi về tính chính đáng, hợp lý của việc lùi thời hạn như vậy.
Thứ hai, về các quy định trả cổ tức của doanh nghiệp. Theo cách hiểu thông thường của các cổ đông, khoản cổ tức của năm này sẽ được chi trả sau khi doanh nghiệp tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm tiếp theo, khi đã có báo cáo tài chính kiểm toán. Tuy nhiên, khi hàng loạt doanh nghiệp xin “khất” cổ tức mà cổ đông chỉ biết ngậm ngùi, giới đầu tư mới thấy, hiện vẫn chưa có một quy định rõ ràng nào về thời hạn doanh nghiệp phải trả cổ tức cho cổ đông, hoặc khi chậm trả thì tính các chi phí bù đắp như thế nào?
Cho đến khi chưa thẩm định được tính hợp lý, chính đáng của những lý do xin “khất” cổ tức, cũng như chưa có quy định rõ ràng về thời hạn trả cổ tức, hay chế tài với doanh nghiệp chậm trả, không trả cổ tức, thì các cổ đông hẳn sẽ còn tiếp tục tức vì… cổ tức.