Sáng 8/8, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có buổi trao đổi về kết quả kinh doanh và tình hình thoái vốn nửa đầu năm 2018.
Sau 6 tháng, SCIC ghi nhận doanh thu cổ tức đạt 1.220 tỷ đồng, tương đương 49% kế hoạch năm. Doanh thu tài chính đạt 715 tỷ đồng, thực hiện 55% chỉ tiêu.
Riêng nguồn thu từ hoạt động bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước (bao gồm Nhựa Bình Minh), SCIC đạt 2.669 tỷ đồng, chiếm 48% tổng thu từ bán cổ phần cả nước (5.598 tỷ đồng).
Trong 6 tháng, công ty lãi sau thuế 1.923 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.513 tỷ đồng và nộp quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 2.818 tỷ đồng.
Vào tháng 3, SCIC đã bán đấu giá thành công hơn 24 triệu cp CTCP Nhựa Bình Minh với giá 96.500 đồng/cổ phiếu, thu 2.330 tỷ đồng, chênh lệch giá vốn 2.182 tỷ đồng. Kết quả bán cổ phần thực hiện gần đây ghi nhận hiệu quả thoái vốn của SCIC bình quân đạt 3,5 lần so với giá gốc, cao hơn kết quả bán vốn trên toàn quốc (1,48 lần).
Năm 2018, SCIC đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 7.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 5.400 tỷ đồng. Trong 6 tháng cuối năm, SCIC sẽ tích cực đẩy mạnh hiệu quả bán vốn doanh nghiệp, trọng tâm là một số công ty lớn như Vinaconex, Vocarimex, Domesco, Vina Control…
SCIC hiện sở hữu vốn tại 136 doanh nghiệp, gồm 129 công ty cổ phần. Với những doanh nghiệp có kế hoạch bán vốn thì đã ký hợp đồng tư vấn thoái vốn và chuẩn bị công tác cần thiết để triển khai.
Mặt khác, SCIC cũng tích cực triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc diện kiểm soát, xử lý các tài sản tài chính… Danh sách công ty SCIC sở hữu vốn có 20 đơn vị bị giám sát đặc biệt. Trong quá trình tái cơ cấu, số lượng này đã giảm 3 hoặc 4 doanh nghiệp so với đầu năm.
Đối với các công ty TNHH MTV, theo kế hoạch đến năm 2020, có 5 doanh nghiệp phải cổ phần hóa hiện nay đã cơ bản tiến hành các thủ tục định giá tài sản. Còn 1 đến 2 doanh nghiệp vẫn đang vướng mắc tại một số điểm như liên quan đến tài sản đất do có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo SCIC khẳng định về cơ bản tiến trình vẫn theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV của SCIC cho biết, tổng công ty đã tận dụng được sự hưng phấn của thị trường chứng khoán nửa đầu năm để tiến hành bán vốn Nhà nước. SCIC cũng tích cực triển khai thoái vốn và thực hiện các phương án hiệu quả không làm thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình bán cổ phần.
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh, không còn được thuận lợi như đầu năm. SCIC đang xem xét lựa chọn các phương án thoái vốn phù hợp, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Tổng công ty sẽ theo dõi và tìm cơ hội để đạt được hiệu quả thoái vốn.
“Không thể cứ mang hàng ra bán bằng mọi giá nhưng cũng không thể muốn bán giá tốt rồi một mình một chợ được”, ông Chi chia sẻ.
Ông Chi cũng thông tin, sáng 8/8, Bộ Tài chính ký quy trình hướng dẫn thoái vốn. Trước đó, SCIC cũng đã tích cực làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ thoái vốn để kiểm tra cân nhắc những điểm cần sửa đổi cho phù hợp quy định.
Liên quan đến vấn đề tiếp nhận đơn vị từ địa phương, tính từ khi ban hành Quyết định 1232 về chuyển giao vốn các doanh nghiệp của Bộ, tỉnh về SCIC, tổng công ty đã tiếp nhận 25/62 đơn vị với tổng vốn Nhà nước 862,48 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ 2.068 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 37 đơn vị với tổng vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng tại 5 Bộ và 8 UBND tỉnh.
SCIC cho biết rất tích cực trong việc tiếp nhận các doanh nghiệp, tuy nhiên quá trình xử lý, chuyển giao gặp nhiều vướng mắc khiến tiến độ bàn giao chậm. Một số doanh nghiệp đã xong hồ sơ để chuyển giao nhưng còn tồn đọng vấn đề tài chính không phù hợp với các quy định về hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp nhận vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ các Bộ, địa phương, SCIC đang kiến nghị chỉnh sửa các quy định về xử lý tài chính tại Thông tư 118.