Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) mới đây công bố tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, cho biết tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ – SBIC chỉ đạt 249 tỉ đồng, hoàn thành 10,5% kế hoạch năm, giảm mạnh so với mức 740 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt tới 242 tỉ đồng, doanh thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chỉ đạt vỏn vẹn hơn 6 tỉ đồng.
Kinh doanh “vỏn vẹn” hơn 6 tỉ đồng
Trong khi đó, 8 công ty thành viên ghi nhận đạt 1.359 tỉ đồng doanh thu và thu nhập khác, hoàn thành 35% kế hoạch năm. Trong đó, lĩnh vực đóng mới tàu thuyền, phương tiện nổi đem về doanh thu 884 tỉ đồng; lĩnh vực sửa chữa tàu thuyền, phương tiện nổi đem về 149 tỉ đồng; lĩnh vực khác đem về 181 tỉ đồng; còn lại là doanh thu tài chính và thu nhập khác.
Trước tình hình kinh doanh không mấy khả quan, SBIC dự tính cả năm nay Công ty mẹ – SBIC lỗ trước thuế 2.884 tỉ đồng, mặc dù tổng doanh thu và thu nhập khác vẫn được đặt ra tới 2.320 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động tài chính là 2.291 tỉ đồng.
Toàn tổng công ty hiện đang nợ 81,7 tỉ đồng tiền lương và 316 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội. Số lao động không có việc làm tại toàn tổng công ty tính đến hết tháng 7 vừa qua là 600 người.
Lãnh đạo SBIC cho biết thời gian qua thị trường vận tải và đóng tàu trên thế giới tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn và chưa thấy có tín hiệu phục hồi tích cực, thị trường vận tải biển vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do sự bất ổn của nền kinh tế thế giới và hiện tượng thừa cung về năng lực vận tải. Do vậy, giá cước trên thị trường sẽ tiếp tục gây sức ép đối với các chủ tàu, ảnh hưởng tới việc đầu tư đóng mới các phương tiện vận tải, trong đó bao gồm cả các chủ tàu trong và ngoài nước.
Từng bị “cương chế” thu hồi nợ thuế
Trước đó, trong năm 2016, Tổng cục Thuế từng nhiều lần có văn bản hướng dẫn Cục Thuế Hà Nội thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế với SBIC. Theo đó, SBIC phải sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và các nguồn vốn hợp pháp khác không phải nguồn vốn tạm ứng hỗ trợ sản xuất và nguồn thu từ tái cơ cấu để nộp ngân sách nhà nước.
Tính tới hết năm 2015, SBIC còn nợ số tiền thuế hơn 133 tỷ đồng, và xếp thứ 2 trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn trên cả do Bộ Tài chính công bố. Số tiền nợ thuế này SBIC vẫn chưa trả được, và tới nay còn cộng thêm tiền lãi, phạt chậm nộp…
Tuy nhiên, hiện SBIC đang được kiểm soát đặc biệt, nên dòng tiền cũng chuyển trực tiếp về Bộ Tài chính quản lý, nên không còn tiền để thanh toán số thuế còn nợ.
Liên quan tới hoạt động của SBIC, mới đây, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Vinashin hiện nay sau khi tái cơ cấu, đánh giá là chưa hiệu quả, hiện nay Chính phủ cũng đã thường xuyên họp, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết tốt những dự án có sai phạm của Vinashin.
Trước đó, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018 và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 ngày 22/5, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu ví dụ cụ thể với trường hợp SBIC. Mặc dù đã có đề án tái cơ cấu được thông qua từ năm 2012-2013, trong đó đề ra tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng đến nay tình hình càng trầm trọng hơn.
“Mỗi năm doanh nghiệp này vẫn lỗ thêm 5.000 – 7.000 tỷ đồng và quan trọng là không có hướng ra, tái cơ cấu không bám sát đề án. Rõ ràng khâu thực hiện có vấn đề và là căn bệnh mãn tính, nếu không điều chỉnh sẽ rất khó để doanh nghiệp phát triển”, ông Thường cho biết.