Tại thị trấn Vạn Giã (H.Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), nơi mà cách đây 2 tháng vẫn còn rất sôi động, nay gần như không có ai lai vãng.
Hầu hết 30 sàn giao dịch BĐS tại Vạn Ninh gần như đóng cửa, kéo theo sự đìu hiu tại các văn phòng công chứng, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Ông Võ Lục Phẩm – phó chủ tịch H.Vạn Ninh – cho biết “giờ không phải lo việc phá rừng, lấp đìa bán đất trái phép như trước đây. An ninh trật tự cũng không còn phức tạp như lúc sốt đất”.
Dấu hiệu bán tháo đất tại đây bắt đầu xuất hiện khi có nhiều nhà đầu tư đến từ Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… đang tìm cách rao bán những lô đất đã mua trước đó nhằm gỡ vốn. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy không mấy giao dịch thành công.
Trong khi đó tại Phú Quốc (Kiên Giang), giới đầu cơ BĐS, nhất là giới “ăn xổi” gần như “thả tay”, thậm chí “tắt thở”.
Theo ông Đặng Đức Giới – giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển BĐS Đặc Khu: “Hệ lụy với các nhà đầu tư BĐS, nhất là những nhà đầu tư “ăn xổi”, là rất lớn.
Riêng những nhà đầu tư lớn muốn gắn bó lâu dài với Phú Quốc tôi nghĩ sẽ không thiếu cơ hội để bứt lên lại.
Chuyện chính sách tác động đến cơ hội đầu tư là có, nhưng với những nhà đầu tư có tư duy bền vững thì chuyện luật thông qua hay chưa là không quá lớn đối với họ.
Thị trường BĐS sẽ phát triển thực chất, bền vững hơn trong một môi trường thể chế chính sách minh bạch, ổn định, do đó Luật đặc khu có chất lượng hơn sẽ làm cho các đặc khu phát triển tốt hơn, bền vững hơn”.
Trong khi giao dịch “đóng băng” thì ngược lại khiếu nại, tranh chấp bắt đầu tăng lên. Rất nhiều vụ tranh chấp được gửi đến TAND H.Vạn Ninh (Khánh Hòa) để phân xử.
Ông Đỗ Công Đa – chánh án TAND H.Vạn Ninh – cho biết: “Cả tuần nay, ngày nào tòa cũng tiếp nhận các vụ tranh chấp.
Trước đây người bán kiện người mua, còn giờ người mua lại kiện người bán. Tất cả đều xoay quanh việc đặt cọc nhưng không giao dịch được” – ông Đa nói.
Theo thẩm phán Võ Thị Hòa Thanh, hiện có rất nhiều sàn BĐS đã đến TAND H.Vạn Ninh tham khảo ý kiến để kiện chủ đất nhằm lấy lại tiền cọc. “Tôi nghĩ vài tháng tới sẽ có nhiều đơn dạng này xuất hiện” – bà Thanh dự báo.