Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 sau kiểm toán là 4.562,2 tỷ đồng, giảm 78,7 tỷ đồng so với con số tự lập là 4.641,1 tỷ đồng trước đó. Như vậy lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán đã giảm 2%.
Ở phần chi phí quản lý của doanh nghiệp sau kiểm toán cũng tăng lên 25,93 tỷ đồng so với tự lập trước đó với mức tăng 8%.
Cũng trong Báo cáo kiểm toán vừa công bố, mục thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước được điều chỉnh tăng 162,869 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2016 chủ yếu bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà Sabeco phải nộp thêm.
Theo quan điểm của Kiểm toán Nhà nước, số thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bị truy thu cho giai đoạn từ năm 2007-2009 mà Sabeco đã nộp thay cho công ty mẹ, các công ty con và các công ty liên kết không được khấu trừ khi tính thuế TNDN của năm 2016 do Bộ Tài chính hướng dẫn Sabeco sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2015 trở về trước đó để nộp Ngân sách Nhà nước số thuế TTĐB truy thu giai đoạn từ năm 2007-2009. Tuy nhiên Sabeco đã hạch toán toàn bộ thuế TTĐB bị truy thu giai đoạn từ năm 2007-2009 vào chi phí tính thuế TNDN năm 2016.
Cũng liên quan đến chuyện lợi nhuận sau thuế TNDN chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2016, theo Báo cáo kiểm toán vừa công bố của Sabeco, con số này là 2.866,6 tỷ đồng, giảm gần 140 tỷ đồng so với các báo cáo trước đó.
Trước khi có Báo cáo riêng được đưa ra đầu tháng 4/2018, Kiểm toán Nhà nước khu vực IV – đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính Sabeco đã khẳng định, Bộ Công Thương và Sabeco đã không thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm theo Nghị định 99/2012, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước trước thời điểm thoái vốn ngày 27/12/2017.
Theo Kiểm toán Nhà nước, trước khi thoái vốn Nhà nước và bán hơn 53% cổ phần cho đại gia Thái vào cuối 2017, lợi nhuận còn lại của Sabeco các năm từ 2016 trở về trước hơn 2.700 tỷ đồng. Căn cứ vào tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco cuối năm 2016 là 89,59%, cơ quan Kiểm toán Nhà nước kiến nghị doanh nghiệp này phải nộp ngân sách gần 2.500 tỷ đồng lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước.
Bộ Tài chính dẫn Điều 7 Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 cũng cho hay, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện với đơn vị vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ngoài ra, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là căn cứ để Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức, cơ quan khác sử dụng trong quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại Sabeco chấn chỉnh kịp thời các sai phạm mà Kiểm toán Nhà nước đã nêu. “Sabeco cần khẩn trương nộp vào ngân sách Nhà nước số thuế và các khoản phải nộp khác đã nêu tại kiến nghị báo cáo kiểm toán”, văn bản Bộ Tài chính nêu.
Cơ quan này cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Sabeco báo cáo kết quả thực hiện về Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trước ngày 30/4.