Kỳ vọng nới room tín dụng cho HDBank sau sáp nhập PGBank
Sau Chỉ thị 04 của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đang “lo ngay ngáy” vì biết sẽ không được nới trần tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) trong nửa cuối năm, trong khi nửa đầu năm đã trót để tăng trưởng tín dụng ở mức cao, thậm chí có ngân hàng đã ở mức sát trần.
Một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nửa đầu năm là Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) với trên 15%. Tuy nhiên, giới phân tích đang kỳ vọng HDBank sẽ được nới room tín dụng sau khi hoàn tất sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thương vụ HDBank mua PGBank sẽ được cơ quan có thẩm quyền thông qua vào giữa tháng 9/2018. “Chúng tôi cho rằng đây sẽ là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng của HDBank trong tương lai khi ngân hàng đáp ứng điều kiện loại trừ theo Chỉ thị 04 của Ngân hàng Nhà nước”, VCSC nói về lợi ích đặc biệt khi HDBank sáp nhập PGBank.
Chỉ thị 04 nêu rõ sẽ không nới room tín dụng trong nửa cuối năm cho các ngân hàng thương mại, trừ một số trường hợp ngoại lệ liên quan đến các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu.
Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho hay theo Chỉ thị 04, các ngân hàng đang hỗ trợ các ngân hàng nhỏ/yếu kém khác trong quá trình tái cơ cấu trong năm 2018 sẽ được cân nhắc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. HDBank hiện đang đợi phê duyệt nguyên tắc từ Ngân hàng Nhà nước đối với kế hoạch sáp nhập với PGBank – một ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu.
Trong trường hợp khả quan nhất, nếu kế hoạch sáp nhập được thông qua trước quý IV, HSC ước tính HDBank có thể được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 30 – 40%. Và ngân hàng có 3 tháng để đạt được mức tăng trưởng này.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu Ngân hàng Nhà nước trì hoãn đưa ra phê duyệt chính thức, khi đó HDBank có thể sẽ không có cơ hội để yêu cầu tăng hạn mức kịp thời trong năm 2018. Tuy nhiên, theo HSC, HDBank vẫn có thể hoàn thành kế hoạch bằng cách tăng kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho HDSaison.
Theo báo cáo tài chính quý II/2018 của PGBank, dư nợ tín dụng nửa đầu năm của ngân hàng này bất ngờ giảm 2,95%, từ 21.421 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 20.789 tỷ đồng. Đây là thông tin có lợi cho HDBank bởi room tín dụng sau khi sáp nhập PGBank sẽ được nới khá rộng, do bản thân PGBank thậm chí còn chưa dùng tới tăng trưởng tín dụng.
Dòng tiền tiếp tục dồn vào cổ phiếu vốn hóa lớn?
Phiên 30/8, thị trường giao dịch tích cực, các chỉ số bất ngờ tăng mạnh vào cuối phiên. VN-Index tăng 9,9 điểm (tương đương 1%) lên 998,07 điểm. VN30-Index tăng 10,44 điểm (tương đương 1,08%) lên 975,43 điểm. Cả hai chỉ số gần như giao dịch dưới tham chiếu trong suốt phiên sáng và chỉ vượt lên từ đầu phiên chiều.
Số mã tăng điểm quay lại chiếm ưu thế và dòng tiền lan tỏa đều ở các nhóm ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như Ngân hàng, Dầu khí, Xây dựng, Bất động sản, Chứng khoán… Các mã góp nhiều vào mức tăng của VN-Index có thể kể đến như MSN (+6.6%), GAS (+4.1%), CTD (+3.9%), PLX (+2.25), CTG (+2.2%), REE (+2%), PNJ (+1.8%), MBB (+1.5%), BMP (+1.5%), VCB (+1.1%), SSI (+1.1%), VJC (+1%), VPB (+1%).
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), phiên 30/8, VN-Index tăng điểm với cây nến ngày là nến tăng có thân nến dài cho thấy nhịp biến động trong phiên đã tăng lên mạnh so với một vài phiên liên trước. Thanh khoản đã tăng so với phiên trước tuy nhiên chưa đột biến so với nền khối lượng giao dịch tuần, điều này tiếp tục phản ánh tâm lý ổn định của nhà đầu tư.
“VN-Index có khả năng sẽ duy trì đà tăng trong phiên tiếp theo và sẽ thử thách ngưỡng cản 1010. Nếu thanh khoản tiếp tục duy trì trên nền khối lượng giao dịch như hiện tại thì xu hướng tăng sẽ được giữ vững”, SSI đánh giá.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì dự báo thị trường sẽ tiếp tục đi lên với sự lan tỏa đồng đều hơn giữa các dòng cổ phiếu trong một vài phiên kế tiếp. Dù vậy, dòng tiền được dự báo vẫn sẽ tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và một vài cổ phiếu vốn hóa lớn