Theo phương án hoán đổi, mỗi cổ phần MLN được hoán đổi với 1,2240 cổ phần công ty hợp nhất và mỗi cổ phần MNC được hoán đổi với 2,5444 cổ phần công ty hợp nhất.
Tổng số cổ phần phát hành để hoán đổi tại Mai Linh Group là hơn 131 triệu cổ phiếu. Sau khi điều chỉnh tỷ lệ trên, vốn điều lệ sau hợp nhất sẽ tăng từ 1.595 tỷ đồng lên gần 1.729 tỷ đồng.
Cổ phiếu “giá bèo”
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MNC và MLM đều giao dịch không mấy tích cực kể từ khi lên sàn, không nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
Cụ thể, hơn 48,6 triệu cổ phiếu MLM chính thức niêm yết trên sàn UPCoM ngày 25/8/2017 với giá tham chiếu là 11.500 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu này đã giảm kịch sàn, mất 40% giá trị.
Đây được cho là “gáo nước lạnh” về định giá của thị trường dành cho thương hiệu taxi Mai Linh ở miền Bắc. Tiếp theo đó là hàng chục phiên giảm giá, thậm chí là giảm sàn khiến thị giá lao dốc.
Hiện, cổ phiếu MLM đang giao dịch tại mức giá 2.000 đồng/cp, giảm 82,6% so với mức giá tham chiếu chỉ sau chưa đầy một năm. Hơn nữa, cổ phiếu MLN cũng là một trong những cổ phiếu có thanh khoản thấp trên thị trường.
Mới đây, Mai Linh Group đã mua thành công 5,83 triệu cổ phiếu MLM, nâng tỷ lệ sở hữu từ 47,85% lên 59,89% vốn doanh nghiệp.
Về MNC, cổ phiếu này chính thức được giao dịch trên HNX từ 16/12/2010 với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 10.100 đồng. Sau chia thưởng và trả cổ tức cổ phiếu, đến nay, MNC chỉ được giao dịch tại mức giá 4.100 đồng/cp, giảm 60% so với những ngày giao dịch đầu tiên.
Hiện, MNC có 9,3 triệu cổ phiếu đang niêm yết với vốn điều lệ tương ứng gần 93 tỷ đồng và đang thuộc diện bị cảnh báo từ 10/4 do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2017 là số âm.
Thanh khoản của MNC cũng “èo uột” không kém MLM, khi chỉ đạt trung bình khoảng vài nghìn đơn vị được khớp lệnh. Thậm chí, cổ phiếu này còn thường xuyên rơi vào tình trạng không có thanh khoản trong nhiều phiên liên tiếp.
Ngày 29/6 tới, cả hai công ty này sẽ chốt danh sách cổ đông hủy niêm yết cổ phiếu để thực hiện hợp nhất doanh nghiệp.
Theo đó, MNC sẽ hủy niêm yết tại HNX, MLM sẽ hủy niêm yết trên UPCoM, đồng thời hủy đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).
Khi tiến hành hợp nhất, Mai Linh Group, MLM và MNC sẽ chuyển toàn bộ tài sản, quyền sở hữu và nghĩa vụ hợp pháp sang cho công ty hợp nhất và chấm dứt sự tồn tại của các công ty trên.
Mai Linh Group đặt mục tiêu đạt 6.163 tỷ đồng doanh thu năm 2018 và phấn đấu đến năm 2020 đạt 7.457 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 239,2 tỷ đồng năm 2018 và tăng gấp 3 lần, đạt 793,6 tỷ đồng trong năm 2020.
“Mai Linh mới” thế nào?
Hiện, Mai Linh Group đều đang là cổ đông lớn của MLM và MNC. Điểm chung nhất giữa 3 công ty này là ông Hồ Huy cùng là Chủ tịch HĐQT của cả 3 công ty.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh tại các công ty này đều không mấy khả quan, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm trong những năm gần đây.
MNC hiện đang có 10 công ty con trực tiếp cùng hoạt động trong ngành dịch vụ taxi, ngoài ra còn có 2 công ty con gián tiếp.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của MNC có xu hướng đi xuống sau khi bị cạnh tranh mạnh bởi các hãng xe công nghệ như Uber, Grab.
Kết thúc quý I/2018, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của MNC đạt 126,1 tỷ đồng, giảm 32,7% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lỗ 1,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 817 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế công ty báo lỗ 318,2 triệu đồng, cùng kỳ lãi 3 tỷ đồng.
MLM cũng có đến 17 công ty con, 1 chi nhánh cùng kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, có trụ sở tại 17 tỉnh, thành miền Bắc từ Hà Nội vào đến Hà Tĩnh.
Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của MLM đạt hơn 2.000 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm 72%, đặc biệt là khoản vay và nợ thuê tài chính lên tới 344 tỷ đồng, ngoài ra là khoản phải trả dài hạn khác lên tới 817 tỷ đồng.
MLM đã 3 năm liên tiếp phải báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh, với hơn 46 tỷ đồng. Quý I/2018, MLM tiếp tục báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 5 tỷ đồng, nợ phải trả tiếp tục chiếm 72,1%.
Trong một lần phát ngôn, ông Hồ Huy cho biết việc sáp nhập Mai Linh 3 miền nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, quản lý. Ông Huy còn cho biết sau khi sáp nhập, “Mai Linh mới” sẽ mời đơn vị tư vấn đánh giá để niêm yết lên sàn nước ngoài.
Đây là mục tiêu đầy tham vọng của Mai Linh, bởi rất nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Vietjet Air, Petrolimex đến nay vẫn mơ với “giấc mơ dang dở” này.