Thượng vàng, hạ cám
Ngày 20/7/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra quyết định tạm dừng giao dịch trên UPCoM đối với 13 cổ phiếu từ ngày 24/7 đến 26/7. Nguyên nhân là các doanh nghiệp này đã không công bố thông tin họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 trong thời hạn quy định (6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính). Sau khi tạm ngừng giao dịch, HNX sẽ xem xét áp dụng chế tài hạn chế giao dịch nếu các doanh nghiệp này tiếp tục không công bố thông tin theo quy định.
Đây là đợt ngừng giao dịch lớn thứ hai trên UPCoM trong 3 tháng qua. Trước đó, ngày 22/5/2018, 17 doanh nghiệp cũng bị tạm ngừng giao dịch do chậm công bố thông tin quá quy định 45 ngày.
Hàng loạt trường hợp doanh nghiệp liên tiếp bị cảnh báo, chế tài do các vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng chất lượng cổ phiếu trên sàn UPCoM tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư, khi mà dòng tiền chảy vào thị trường này ngày càng tăng trong thời gian qua.
Theo số liệu từ HNX, tính đến ngày 20/7/2018, số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM đã lên đến 761, cao hơn cả 2 sàn niêm yết là HNX và HOSE cộng lại. Trong 7 tháng đầu năm 2018, đã có thêm gần 80 doanh nghiệp đăng ký mới. Tổng vốn hóa hiện đạt 641.335 tỷ đồng.
Cùng với quy mô tăng trưởng, dòng tiền cũng tăng theo. Giá trị giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 430 tỷ đồng/phiên, gấp khoảng 2,2 lần cùng kỳ năm 2017. Có phiên đột biến lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia đánh giá, bên cạnh tăng trưởng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam, nguyên nhân khiến UPCoM ngày càng có sức thu hút là sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, tên tuổi. Nhất là khi chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với lên sàn diễn ra mạnh mẽ trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, một số doanh nghiệp lớn đã đưa cổ phiếu lên UPCoM có thể kể đến như BSR của Công ty cổ phần (CTCP) Lọc hóa dầu Bình Sơn, POW của Tổng công ty Điện lực dầu khí, GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su hay mới đây là VEA của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp được đăng ký giao dịch từ 2/7/2018…
Thống kê đến cuối tháng 7/2018, trên UPCoM có đến 8 cổ phiếu quy mô vốn hóa tỷ USD (bao gồm cả những doanh nghiệp quy mô lớn nhưng mới đưa một phần cổ phiếu lên sàn như PGV, GVR, POW, BSR…) đăng ký giao dịch. Ngoài những cái tên kể trên còn có ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan và nhiều doanh nghiệp quy mô lớn khác.
Trong số này, có những doanh nghiệp chọn UPCoM như một bước đệm trước khi chuyển lên HNX hay HOSE, nhưng cũng có trường hợp chưa đủ điều kiện niêm yết về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, tỷ suất sinh lời… nên tạm chọn thị trường này là điểm dừng bước. Với quy mô, vị thế đầu ngành và hiệu quả hoạt động, các doanh nghiệp này không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư trong nước mà còn thu hút các quỹ đầu tư hàng đầu thị trường rót vốn.
Ở chiều ngược lại, UPCoM cũng có không ít doanh nghiệp bị đặt nhiều dấu hỏi về chất lượng, minh bạch trong cả công tác tài chính và quản trị. Tính đến ngày 25/7/2018, 80 mã đang trong diện bị hạn chế giao dịch, 9 mã khác bị đình chỉ giao dịch và không ít cổ phiếu khác dù vẫn giao dịch bình thường nhưng vấn đề chất lượng rất đáng lưu tâm.
Rõ ràng, UPCoM không thiếu cơ hội cho nhà đầu tư “đãi cát tìm vàng”, nhưng sự phức tạp về chất lượng cũng khiến rủi ro “dính” phải những cổ phiếu yếu kém không hề nhỏ.
Cẩn trọng để tự bảo vệ mình
Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24/6/2009 với mục tiêu mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, giúp nhà đầu tư có thêm nơi giao dịch an toàn và thuận lợi, sau 9 năm hoạt động, đến nay UPCoM có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng doanh nghiệp đăng ký, thanh khoản và sức hút nhà đầu tư.
Tuy vậy, nếu tại HNX và HOSE, doanh nghiệp niêm yết phải thỏa mãn hàng loạt điều kiện về lợi nhuận, ROA, ROE đến vốn điều lệ tối thiểu, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhỏ…, thì để giao dịch trên UPCoM, thủ tục hiện khá đơn giản với điều kiện cũng “rộng rãi” hơn. Nhiều trường hợp kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế vẫn được chấp thuận giao dịch như trường hợp DHB của CTCP Đạm Hà Bắc hay BBT của CTCP Bông Bạch Tuyết. Tại thị trường này, vai trò của cơ quan quản lý với hồ sơ đăng ký mới dừng ở mức kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ, đúng và đầy đủ quy trình pháp lý.
Sau khi lên sàn, các doanh nghiệp cũng phải chịu nghĩa vụ CBTT khá “nhẹ” so với niêm yết. Chẳng hạn, ngoài việc phải công bố thông tin bất thường và thông tin theo yêu cầu, doanh nghiệp chỉ phải công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán và báo cáo thường niên. Việc công bố báo cáo tài chính theo quý và soát xét của kiểm toán chỉ dừng ở khuyến khích, không phải là yêu cầu bắt buộc.
Sự lỏng lẻo trong kiểm soát chất lượng cũng dẫn đến tình trạng vàng thau lẫn lộn. Không ít cổ phiếu rầm rộ lên sàn nhưng sau thời gian giao dịch sôi động, thị giá lao dốc không phanh và cuối cùng bặt vô âm tín khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về mục đích lên sàn thực sự là để gây dựng thương hiệu, huy động vốn hay nhằm kiếm lời từ sự lỏng lẻo của thị trường chứng khoán, như trường hợp CTCP Mỏ và khoáng sản Miền trung – MTM làm giả hồ sơ, giấy tờ để đăng ký giao dịch trong năm 2016 vừa bị khởi tố.
Trong bối cảnh UPCoM ngày càng hút dòng tiền, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư đặt ra vấn đề, liệu cơ quan quản lý có cần những biện pháp rà soát chặt chẽ hơn với chất lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch nhằm giảm bớt rủi ro, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng như sự minh bạch, phát triển chung của thị trường chứng khoán.
Tuy vậy, trước khi chờ đợi giải pháp chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý, để tự bảo vệ tài sản, đồng vốn của mình, cách tốt nhất vẫn là nhà đầu tư cần xác định rõ ràng tính chất sàn UPCoM để chủ động tìm hiểu doanh nghiệp khi quyết định đầu tư, thay vì chỉ dựa vào sự hô hào trên các diễn đàn, room chứng khoán.