Theo đó, việc tăng mạnh các điểm giao dịch trong thời gian qua, cùng với xu hướng chuyển dịch sang mảng bán lẻ cho thấy các ngân hàng đã sẵn sàng cho việc tín dụng bị kiểm soát.
Khả năng tăng trưởng tín dụng khoảng 20%/ năm trong vòng 10 năm tới là không còn nữa, các ngân hàng đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, thị phần và an toàn vốn.
Mở rộng mạng lưới
Điểm dễ nhận thấy là trong hai năm trở lại đây là số điểm giao dịch của các ngân hàng bắt đầu tăng mạnh. Thậm chí, đầu năm nay, một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng các phòng giao dịch vượt bậc trong năm ngoái tiếp tục được cấp phép mở rộng mạng lưới.
Điển hình, HDBank tiếp tục được mở thêm 23 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm nay, sau khi đã hoàn tất mở mới 45 điểm giao dịch trong năm 2018.
Tương tự, LienVietPostBank được nâng cấp 5 phòng giao dịch (PGD) bưu điện thành PGD ngân hàng, trong đó có 2 PGD ở Ninh Bình và 3 ở Thái Bình. Trước đó, trong năm 2018, LienVietPostBank tăng thêm tới 161 điểm giao dịch, mạng lưới giao dịch tăng vọt lên 388 chi nhánh/PGD.
Ngay cả một số ngân hàng nhỏ như BacABank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận thành lập thêm 7 PGD và 4 chi nhánh trong năm nay. Trong tháng 1/2019, Nam A Bank cũng đã khai trương và đưa vào hoạt động hàng loạt các điểm giao dịch trên toàn quốc.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, việc mở rộng mạng lưới hoạt động của các ngân hàng là có lý do. Từ năm 2018, NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đồng nghĩa với việc các ngân hàng không thể thoải mái tăng nguồn thu từ cấp tín dụng nên chắc chắn lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng. Trong điều kiện như vậy, việc gia tăng thị phần mở rộng mạng lưới kinh doanh để đẩy mạnh mảng dịch vụ, bán lẻ sẽ là giải pháp kịp thời đảm bảo mức tăng trưởng lợi nhuận như dự kiến.
Vấn đề đặt ra là, trong thời đại ngân hàng số, các ngân hàng vẫn duy trì mở rộng mạng lưới song song với tập trung đầu tư công nghệ số liệu có mâu thuẫn không?
Theo quan điểm của tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, dù là thời đại ngân hàng số nhưng nền kinh tế và thị trường luôn vận động và mở rộng, nhu cầu giao dịch và sử dụng dịch vụ gia tăng nhanh chóng không chỉ ở thành thị mà cả vùng nông thôn.
Vì vậy, việc đa dạng các kênh tiếp cận khách hàng là không có giới hạn, quan trọng phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng.
Tại Hội thảo “Bứt phá từ những động lực tăng trưởng” mới đây, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN), cho biết năm nay, NHNN sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng, mục tiêu là 14%.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) đồng tình với quan điểm siết tăng trưởng tín dụng của NHNN và cho rằng đây là biện pháp bắt buộc phải thực hiện để ổn định kinh tế vi mô, tạo điều kiện cho các ngân hàng bền vững.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng thừa nhận, tín dụng vẫn là sản phẩm kinh doanh chủ lực của các ngân hàng, việc NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn sẽ tác động xấu đến các ngân hàng.
Không có áp lực lợi nhuận
Để mức trần tăng trưởng tín dụng không làm khó các ngân hàng, ông Tùng cho rằng mỗi ngân hàng phải điều chỉnh mục tiêu phát triển của mình để duy trì mức độ tăng trưởng phù hợp; mở rộng quy mô thị phần, đa dạng hoá các sản phẩm sẽ là cách giúp các ngân hàng bước qua khó khăn hiệu quả nhất. Nếu ngân hàng nào chỉ ngồi im ủng hộ mà không có bất cứ động thái thay đổi trong chiến lược kinh doanh thì chắc chắn sẽ “chết chìm”.
Theo ông Phạm Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng phải cơ cấu lại tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng và quản trị rủi ro. Đặc biệt, thị trường tài chính bán lẻ ở Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn để các ngân hàng khai thác.
Lãnh đạo một số nhà băng cho biết đang đẩy mạnh phát triển thêm hệ thống sản phẩm, dịch vụ khách hàng và đa dạng kênh cung cấp, giảm thiểu chi phí hoạt động và nâng hiệu quả CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) của nhà băng, góp phần nâng lợi nhuận.
Vì thế, nhiều ngân hàng vẫn tự tin với kế hoạch tăng trưởng vượt trội so với năm 2018 dù tăng trưởng tín dụng bị siết, bởi hai năm qua, các nhà băng đã bước qua một đợt cao điểm đầu tư. Nhiều thành viên đã mở mới hàng chục chi nhánh và theo đó, độ trễ sinh lời của các điểm mở mới cùng gánh nặng chi phí đầu tư bắt đầu tốt lên từ năm 2019.
Chẳng hạn như LienVietPostBank không ngần ngại tiết lộ tham vọng khi mở rộng mạng lưới là để đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ. Hay như Techcombank từng cho rằng năm 2019 sẽ không có áp lực.
Theo đó, guồng máy với các chiến lược, thị phần và mô hình được định hướng bán lẻ, phát triển dịch vụ ngân hàng đang theo đuổi đã xây dựng nhiều năm qua đang vận hành tốt. Doanh thu đã khẳng định ở chuỗi 13 kỳ liên tiếp tăng trưởng; việc còn lại là đưa lợi nhuận bám sát doanh thu, giảm thiểu bộ đệm ở giữa.