CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam
Chứng khoán phái sinh
1. Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán Phái sinh (CKPS) là một công cụ tài chính, trong đó giá trị phụ thuộc vào giá trị của một hay nhiều loại tài sản cơ sở. Chứng khoán Phái sinh có dạng hợp đồng tài chính quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán hoặc/và chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai. Tài sản cơ sở của Chứng khoán Phái sinh được chia thành 02 dạng chính:
Hàng hóa: thực phẩm (gạo, ngũ cốc, thịt, cà phê, hồ tiêu, v.v…), kim loại (vàng, bạc, kẽm, v.v…), năng lượng (khí đốt, dầu, v.v…), khác (thời tiết, kết quả bầu cử, v.v…)
Công cụ tài chính: cổ phiếu (chỉ số cổ phiếu, cổ phiếu đơn lẻ), trái phiếu (trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương, trái phiếu doanh nghiệp), Lãi suất (lãi suất ngân hàng, lãi suất ngoại tệ), Tiền tệ (USD, Yên Nhật, Euro, v.v…)
2. Loại chứng khoán phái sinh nào sẽ được triển khai trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam?
Hợp đồng Kỳ hạn (Forward contract): là thỏa thuận pháp lý giữa hai bên tham gia về việc mua và bán một loại tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước tại ngày thực hiện giao dịch.
Hợp đồng Tương lai (Future contract): là một dạng hợp đồng kỳ hạn đã được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch tại thị trường tập trung (Sở Giao dịch chứng khoán).
Hợp đồng Quyền chọn (Option): là thỏa thuận pháp lý trong đó một bên có quyền yêu cầu thực hiện và bên kia có nghĩa vụ phải mua hoặc bán một lượng tài sản cơ sở theo mức giá đã được xác định trước tại hợp đồng trong một khoảng thời gian hoặc tại một thời điểm nhất định trong tương lai.
Hợp đồng Hoán đổi (Swap): là một thỏa thuận pháp lý trong đó hai bên cam kết hoán đổi dòng tiền của một công cụ tài chính của một bên với dòng tiền của công cụ tài chính của bên còn lại trong một khoảng thời gian nhất định.
3. Các nhược điểm của TTCK Cơ sở so với TTCK Phái sinh?
- Đầu tư theo vĩ mô, quan sát Index song chỉ mua được cổ phiếu đơn lẻ
- Vốn ít, tỉ lệ vay hạn chế
- Hiện tượng “làm giá”, độ tin cậy thấp
- Chỉ giao dịch được một chiều, gặp khó khăn khi bán nếu TT đảo chiều
- Giao dịch T+2, không được bán khống
4. Việc thanh toán hàng ngày diễn ra như thế nào?
Một điểm khác biệt nữa của TTCK phái sinh là cơ chế thanh toán hàng ngày. Nhà đầu tư khi giao dịch và nắm giữ các vị thế trong các hợp đồng chứng khoán phái sinh sẽ phải thực hiện thanh toán toàn bộ lãi lỗ phát sinh từ các vị thế đó mỗi ngày:
Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lỗ ròng: nhà đầu tư sẽ phải thanh toán đầy đủ toàn bộ số lỗ phát sinh chậm nhất đến 9h sáng ngày hôm sau.
Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lãi ròng: nhà đầu tư sẽ nhận được đầy đủ số lãi phát sinh sau 11h sáng ngày hôm sau.
Lãi/lỗ ở mỗi vị thế sẽ được tính toán dựa trên giá giao dịch đóng cửa của hợp đồng tương lai đó. Riêng đối với các hợp đồng tương lai chỉ số đến ngày đáo hạn, lãi/lỗ sẽ được tính toán dựa trên giá đóng cửa của chỉ số tại ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai đó.
5. Quy mô hợp đồng được tính toán như thế nào?
Giống như giá của mỗi cổ phiếu, quy mô của mỗi hợp đồng phái sinh sẽ cho biết giá trị đầu tư mà nhà đầu tư đang tham gia là bao nhiêu. Quy mô hợp đồng sẽ được tính theo công thức:
Quy mô hợp đồng = Giá tài sản cơ sở * Hệ số nhân
Ví dụ: chỉ số VN30 ở mức 700 điểm, hệ số nhân do Sở GDCK quy định là 100.000 đồng. Như vậy, quy mô mỗi hợp đồng tương lai VN30 sẽ là 70 triệu đồng.
6. Tại sao hợp đồng tương lai chỉ số VN30 lại có ngày đáo hạn? Vào ngày đáo hạn của hợp đồng, điều gì sẽ xảy ra?
Khác với cổ phiếu, mỗi Hợp đồng tương lai chỉ số đều có một ngày đáo hạn mà vào ngày đó thì hợp đồng sẽ ngừng giao dịch và chuyển thành thanh toán bằng tiền mặt. Khách hàng có thể mua hoặc bán các HĐTL này cho đến ngày giao dịch cuối cùng (cũng chính là ngày đáo hạn hợp đồng). Vào ngày đáo hạn, toàn bộ các vị thế đang mở của Hợp đồng đáo hạn sẽ được coi là đóng vào cuối ngày và toàn bộ lãi lỗ sẽ được thanh toán vào tài khoản của nhà đầu tư vào ngày hôm sau.
Với Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, ngày đáo hạn Hợp đồng được quy định là ngày thứ Năm thứ ba của tháng đáo hạn hợp đồng (contract month). Tại bất kỳ thời điểm cũng có 4 hợp đồng tương chỉ số đang được giao dịch, với các tháng đáo hạn lần lượt là: tháng hiện tại, tháng kế tiếp, tháng cuối cùng của hai quý gần nhất.
Ví dụ: khách hàng A đang có vị thế mua 1 hợp dồng VN30F1706. Hợp đồng này có ngày đáo hạn là 15/06/2017. Vào ngày 15/06/2017, khách hàng A có thể lựa chọn tiếp tục giữ vị thế mua Hợp đồng tương lai chỉ số bằng cách bán 1 hợp đồng VN301706 để đóng vị thế tháng 6 đang nắm giữ và mua lại 1 hợp đồng VN30F1707 (mở vị thế mua tháng 7). Nếu khách hàng A không thực hiện giao dịch đóng vị thế, thì đến hết ngày 15/06/2017, vị thế mua 1 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 6 /2017 mà khách hàng A đang nắm giữ được coi là đóng vào cuối ngày, và khách hàng A không còn vị thế hợp đồng tương lai nào từ ngày 16/06/2017 trở đi.
7. Tại sao giá Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 lại khác với chỉ số VN30 hiện tại? Có khi nào hai mức giá này không bằng nhau không?
Chênh lệch giữa giá Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (giá tương lai) và chỉ số VN30 (giá hiện tại) chủ yếu do “chi phí lưu trữ” (carry-cost) giữa hai thời điểm. Nguyên nhân là để mua được một rổ cổ phiếu tương đương gồm 30 cổ phiếu cấu thành trong VN30 theo tỷ lệ tương ứng, khách hàng sẽ phải bỏ ra một số tiền ban đầu và do đó phải chịu một khoản chi phí lãi vay trên số tiền bỏ ra. Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong danh mục VN30 có thể chi trả cổ tức và tạo ra thu nhập cho người đang nắm giữ. Dòng cổ tức này có thể bù đắp phần nào chi phí lãi vay đã phát sinh. Tại Việt Nam thì chi phí lãi vay thường cao hơn cổ tức thực nhận, do đó chi phí lưu trữ thường có giá trị dương.
Do người mua hợp đồng tương lai không phải chịu chi phí lưu trữ phát sinh từ việc mua rổ cổ phiếu và giữ đến đáo hạn, họ sẽ chấp nhận chi trả khoản chênh lệnh tương đương chi phí này cho người bán. Độ lớn của khoản chênh lệnh giữa giá của Hợp đồng tương lai và chỉ số hiện tại phụ thuộc vào lãi suất vay, tỷ suất cổ tức của chỉ số và thời điểm đáo hạn hợp đồng.
Càng gần đến ngày đáo hạn, giá của Hợp đồng tương lai chỉ số sẽ tiến gần đến mức chỉ số trên thị trường cơ sở. Tại ngày đáo hạn thì hai mức giá này sẽ bằng nhau theo quy định về giá thanh toán cuối cùng của Hợp đồng tương lai chỉ số.
8. Quy mô của Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là bao nhiêu?
Nếu xem chỉ số VN30 là một danh mục cổ phiếu đầu tư thì một Hợp đồng tương lai VN30 đại diện cho một rổ 30 cổ phiếu này với giá trị tương đương là VND100.000 x giá hợp đồng. Hệ số nhân VND100.000 thì giá trị của 1 điểm chỉ số VN30. Theo đó, nếu hợp đồng VN30 đang được giao dịch ở giá 680, thì quy mô 1 hợp đồng này sẽ là 68,000,000.
9. Lời/ lỗ trên một vị thế Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được tính toán như thế nào?Lời/ lỗ trên một vị thế Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được tính toán như thế nào?
Lời/lỗ trên một vị thế Hợp đồng tương lai được tính toán dựa trên chênh lệnh giữa giá Hợp đồng so với giá khi mở vị thế và hệ số nhân hợp đồng đó. Với Hợp đồng tương lai VN30, một điểm chỉ số tương đương với 100,000 đồng. Khi đó, nếu khách hàng A bán 1 HĐTL VN30 tháng 6 tại giá 700 và sau đó mua lại giá 690, thì khách hàng A sẽ có lợi nhuận là VND100,000 x (700 – 690) = VND 1,000,000 (chưa tính phí giao dịch).
10. Tại sao khách hàng phải ký quỹ trước khi giao dịch? Khoản ký quỹ này có phát sinh lãi vay giống ký quỹ trên thị trường cổ phiếu hay không?
Để có thể mở vị thế mua/bán Hợp đồng tương lai, khách hàng cần phải ký quỹ một khoản tiền (hoặc chứng khoán) trước khi giao dịch. Khoản tiền (chứng khoán) này được gọi là ký quỹ Ban đầu (Initial Margin) và được xem như một khoản đặt cọc để bù đắp cho các khoản lỗ có thể xảy ra đối với vị thế hợp đồng đang nắm giữ trong một ngày giao dịch.
Khoản tiền (chứng khoán) nộp vào này là tài sản của nhà đầu tư và sẽ được phong tỏa theo yêu cầu ký quỹ khi lệnh mua/bán Hợp đồng tương lai của khách hàng được khớp. Khách hàng không phải chịu bất kỳ khoản lãi vay nào phát sinh từ số dư ký quỹ của mình. Sau khi mở vị thế, nếu khách hàng đóng tất cả các vị thế Hợp đồng tương lai đang mở thì khách hàng có thể rút toàn bộ phần ký quỹ ban đầu này về tài khoản của mình.
11. Tỷ lệ ký quỹ ban đầu cho Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được tính toán dựa trên cơ sở nào?
Việc tính toán tỷ lệ ký quỹ ban đầu của Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được thực hiện bởi Trung Tâm Bù Trừ dựa trên ước tính về mức độ thay đổi trong một ngày của giá Hợp đồng tương lai. Các Công ty Chứng khoán có thể quy định tỷ lệ ký quỹ ban đầu cao hơn hoặc bằng tỷ lệ ký quỹ quy định. Trung tâm bù trừ có thể tăng hoặc giảm tỷ lệ này tùy vào điều kiện thị trường và tình hình thực tế giao dịch vào bất kỳ thời điểm nào.
12. Chi phí giao dịch của Hợp đồng tương lai được tính như thế nào?
Chi phí giao dịch Hợp đồng tương lai bao gồm: (1) Phí giao dịch của công ty chứng khoán (Commissions); (2) Phí giao dịch của Sở Giao Dịch và phí bù trừ của Trung Tâm Bù trừ (Fees), (3) Thuế (Taxes).
(1) Phí giao dịch của Công ty Chứng khoán: đây là mức phí nhà đầu tư phải trả cho Công ty Chứng khoán nơi khách hàng mở tài khoản và thực hiện giao dịch. Mức Phí này áp dụng cho cả hai vị thế mua & bán và được quy định theo biểu phí của từng công ty chứng khoán.
(2) Phí giao dịch của Sở Giao Dịch và phí bù trừ của Trung Tâm Bù Trừ: áp dụng theo biểu phí quy định của HNX và CCP.
(3) Thuế: áp dụng theo quy định về thuế đối với sản phẩm phái sinh.
13. Chứng khoán phái sinh có trường hợp mất thanh khoản?
Thị trường CKPS cũng là thị trường cung-cầu nên chắc chắn sẽ xảy ra tình huống mất thanh khoản thị trường khi mà Nhà đầu tư không Long hoặc Short được tại mức giá kỳ vọng vì không có bên đối ứng. Nhưng do sản phẩm thị trường CKPS có chu kỳ giao dịch ngắn nên việc không thể đóng được vị thế cho tới thời gian đáo hạn của sản phẩm cũng là rất hiếm xảy ra.