Đáng chú ý, trong số 10 cổ phiếu mới niêm yết tại HOSE có 3 cổ phiếu nhóm ngân hàng bao gồm HDB của Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM, TCB của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam và TPB của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong.
Niêm yết sớm trước thời điểm thị trường điều chỉnh mạnh từ tháng 4/2018, HDB được tận hưởng khoảng thời gian tăng giá khá mạnh trước khi đi xuống cùng đà giảm của thị trường. Trong khi với TCB hay TPB, cổ phiếu chưa kịp tăng đã hứng chịu đà giảm, khiến TCB giảm 26% so với giá chào sàn, TPB giảm 13% so với mức giá tại thời điểm niêm yết.
Nằm trong nhóm tân binh, cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Chào sàn với mức giá 250.000 đồng/cổ phiếu, chỉ sau 3 phiên niêm yết, tính đến ngày 28/6, giá cổ phiếu đã tăng 37%, lên 343.000 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, với cơ cấu cổ đông cô đặc, thanh khoản không phải là điểm sáng của YEG khi khớp lệnh chỉ vài chục nghìn cổ phiếu/phiên trên tổng 27,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Bên cạnh đó, giao dịch của cán bộ chủ chốt trong việc bán ra cổ phần trước niêm yết cũng khiến giới đầu tư không khỏi băn khoăn.
Nửa đầu năm 2018, HOSE ghi nhận 3 trường hợp hủy niêm yết cổ phiếu và 1 trường hợp dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn với lý do không cập nhật hồ sơ trước biến động nhân sự cấp cao.
Là một trong những cổ phiếu hủy niêm yết, TV1 của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 gây mất mát cho nhà đầu tư khi doanh nghiệp kinh doanh bết bát và tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính quý I/2018. Ngược lại, “người anh em” TV2 ăn nên làm ra và chia cổ tức cao “ngất ngưởng” cho cổ đông. Theo đó, cổ phiếu TV1 đã phải xuống giao dịch trên UPCoM từ ngày 22/6, 4 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu này hầu như không có giao dịch, hiện đứng giá 18.400 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, cổ phiếu TV1 đã có chuỗi giảm mạnh từ mức 26.000 đồng/cổ phiếu xuống mức đáy 12.000 đồng/cổ phiếu sau khi ghi nhận lợi nhuận năm 2017 giảm mạnh gần 90% so với năm 2016, trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng.
Trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hoạt động vào – ra sàn niêm yết của doanh nghiệp cũng khá nhộn nhịp với 5 cổ phiếu niêm yết mới và 12 cổ phiếu hủy niêm yết. Ngoài 3 cổ phiếu hủy niêm yết với lý do chuyển sàn sang HOSE, hầu hết các trường hợp hủy niêm yết do nguyên nhân lỗ liên tiếp trên 3 năm và lỗ lũy kế vượt vốn thực góp.
Sau khi hủy niêm yết trên HNX, cổ phiếu L44 của Công ty cổ phần Lilama 45.4 chuyển giao dịch xuống UPCoM từ ngày 8/6/2018. Đồng thời, cổ phiếu L44 được xếp vào danh sách các cổ phiếu bị hạn chế giao dịch với lý do Công ty đang trong tình trạng âm vốn chủ sỡ hữu.
Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, L44 có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, năm 2017 doanh thu của L44 giảm mạnh hơn 60%, đạt 60 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế âm hơn 113 tỷ đồng. Quý I/2018, doanh thu chỉ đạt khoảng 6,8 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 22 triệu đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế đến thời điểm 31/3/2018, L44 đang lỗ hơn 138 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 80 tỷ đồng. Một trong những biện pháp mà HĐQT L44 đưa ra nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối tài chính là kế hoạch chào bán riêng lẻ 2,2 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để hoán đổi nợ theo tỷ lệ 1:10.000 (1 cổ phiếu hoán đổi 10.000 đồng nợ).
Ngày 29/6 vừa qua, Công ty cổ phần Mai Linh miền Trung (MNC) đã chính thức hủy niêm yết trên HNX, đồng thời sẽ chấm dứt sự tồn tại để sáp nhập với Tập đoàn Mai Linh. Theo phương án sáp nhập, MNC và Công ty cổ phần Mai Linh miền Bắc (MLN) sẽ hủy niêm yết để hợp nhất với Mai Linh Group thành công ty mới với tên gọi là Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh.
Về hiệu quả kinh doanh, trong 3 năm trở lại đây, mặc dù lãi ròng ghi nhận số dương nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của MNC liên tiếp lỗ. Riêng quý I/2018, MNC ghi nhận doanh thu giảm 32%, đạt 126 tỷ đồng, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 1,7 tỷ đồng và lỗ ròng 318 triệu đồng.
Niêm yết được xem là một trong những “bước ngoặt” trong quá trình phát triển của nhiều doanh nghiệp. Nhưng thực tế, không ít trường hợp doanh nghiệp lên sàn đã khiến cổ đông thất vọng và nhiều nhà đầu tư mất mát bởi hiệu quả kinh doanh sa sút, cổ phiếu mất giá. Do vậy, hủy niêm yết không chỉ là tất yếu để loại đi những doanh nghiệp yếu kém trên sàn.