Homestay dù là dạng du lịch gia đình nhưng không hề đơn giản, đòi hỏi người làm phải có thẩm mỹ cao, đậm chất vùng miền mới hấp dẫn du khách. Chưa kể thêm là cần phải tính đến yếu tố hạ tầng, giao thông xung quanh.
Giá đất tăng vọt
Thấy nhiều người đầu tư homestay ở Đà Lạt thu nhập tốt, mới đây, anh Bình nhà ở quận 7 (TP HCM) đã rủ thêm vài người bạn có cùng quan tâm đi một chuyến lên xứ sở sương mù để tìm đất đầu tư. Tuy nhiên, lên đến nơi anh Bình mới biết giá đất nhiều khu vực ở Đà Lạt đã tăng gấp đôi, gấp ba so với 1 năm trước, nhất là ở những khu đẹp, có hướng nhìn ra thung lũng, vườn dâu, đồi trà…
Chị Trang, chuẩn bị làm homestay trên mảnh đất gần 3.000 m2 nằm ở khu vực gần đèo Prenn (cách Đà Lạt hơn 10 km), cho biết mảnh đất này chị mua hơn 1 năm trước với giá chỉ 1,3 tỉ đồng nhưng gần đây nhiều người hỏi mua lại với giá 3 tỉ đồng mà chị không bán.
Không chỉ ở khu vực Tây Nguyên, mà nhiều địa phương ở ĐBSCL gần đây cũng rộ lên phong trào làm homestay để thu hút lượng du khách đến Việt Nam ngày càng tăng. Liên tục mấy tháng nay, anh Trần Hoàng Thắng, đang công tác tại một ngân hàng thương mại ở TP HCM, cứ cuối tuần anh thường rủ nhóm bạn về Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long tìm đất nông nghiệp để làm nhà vườn, homestay cho du khách thuê. Cách đây 1 tháng, chủ đất kêu bán miếng đất bãi bồi phía cù lao Tân Phong, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang diện tích 7.000 m2 giá 2,8 tỉ đồng. Nhưng đến tuần trước, anh mới sắp xếp công việc chạy xuống xem thì chủ đất lại đẩy giá lên 4,2 tỉ đồng, trong khi đây là đất bãi bồi phù sa của sông Tiền nên không có giấy tờ, muốn mua phải làm giấy tay. “Lợi thế của mảnh đất là nằm ngay mặt sông Tiền, đối diện khu chợ nổi Cái Bè, có thể phát triển làm du lịch, nhà vườn nên tôi rất ưng. Nếu được giá tôi sẽ mua để làm du lịch” – anh Thắng chia sẻ.
Theo anh Dũng, một cò đất ở khu vực Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang), từ nửa cuối năm 2017 đến nay, lượng khách yêu cầu mua đất làm homestay tăng lên rất nhiều. Anh phải bỏ công việc chính, đi dạo các nơi để tìm người cần bán đất. Anh Dũng cho biết đất vườn cây ăn trái năng suất thấp như nhãn, chôm chôm ở trong sâu, đường đất chỉ chạy được xe máy mà giá thấp nhất cũng lên tới 1,2 tỉ đồng/1.000 m2; còn đất đường ôtô không dưới 1,8-2 tỉ đồng/1.000 m2.
Chị Hải Nhi, hướng dẫn viên đang làm việc tại một công ty du lịch ở Cái Bè, cho hay gần đây nhiều người về Cái Bè, Cai Lậy, những xã nằm gần khu chợ nổi Cái Bè hay gần các tuyến rạch đổ ra sông Tiền để mua đất làm du lịch. Chính người dân địa phương cũng bắt đầu tự làm homestay, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Điển hình như khu Mekong Rustic Homestay (cù lao Tân Phong – Cai Lậy) hay Nam Thi Homestay ở thị trấn Cái Bè… nhộn nhịp khách ra vào. Giá phòng ở các homestay này luôn cao hơn các khách sạn bình dân hay 2-3 sao. Đặc trưng của những homestay này là du khách sống cùng với người dân, ăn cơm của người dân nấu, được đạp xe trong vườn trái cây và dùng thuyền dạo chợ nổi, đi đò chèo trong các kênh rạch.
Chị Phan Thị Mẫn Thi – chủ Homestay Nam Thi đang khai thác rất tốt ở thị trấn Cái Bè, Tiền Giang – cho biết vào mùa cao điểm, với 3 phòng chị có thể “bán” được 45 đêm/tháng. Còn thấp điểm vẫn được 15-20 đêm/tháng. Giá thuê trung bình 900.000 đến 1 triệu đồng/đêm. Với tổng vốn đầu tư 1 tỉ đồng cho 3 phòng, sau khi trừ chi phí hết mỗi tháng chị thu lãi từ 15-20 triệu đồng. Chưa kể người thân của chị Thi cũng có thu nhập khá từ việc nấu ăn và hướng dẫn khách.
Không dễ
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, Tổng Giám đốc Phú Vinh Group, đơn vị đang thực hiện dự án nhà ở kiểu homestay ở Cần Giuộc (Long An), cho rằng để làm du lịch kiểu homestay thì trước hết người làm phải hiểu bản chất của loại hình này là “3 cùng”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cư dân địa phương. Chính vì vậy, người mua đất phải chọn vị trí có thể bao gồm các yếu tố thuần bản địa. Ví dụ ở miền Tây thì phải gần sông và có vườn cây ăn trái. Đà Lạt thì phải là đồi trà, đồng hoa, vườn rau, rừng thông, đồi, dốc… Bên cạnh đó, quy mô dự án là yếu tố quyết định sự thành công của dự án. “Bởi nhà đầu tư phải tính toán được khu đất mình mua có thể thu hút được bao nhiêu khách khi vận hành. Chứ nhiều người thấy thích rồi đầu tư nhưng làm ít quá thu không đủ bù chi, khó vận hành tốt” – ông Chánh lưu ý.
Ngoài ra, theo ông Chánh, câu chuyện tài chính cho dự án cũng rất quan trọng. Có những người bị sai ngay từ khi quyết định vì nghĩ rằng vốn nhỏ thì làm homestay nhưng khi làm nửa chừng không còn tiền phải bỏ dở, có khi phải bán rẻ lại dự án. Đặc biệt, vấn đề nữa chính là nhân sự vận hành. Khi làm homestay, cần người tâm huyết không chưa đủ mà phải là người có trình độ, am hiểu địa phương, phải có ngoại ngữ, cũng như hiểu về xu hướng du lịch của khách. “Yếu tố pháp lý cũng quan trọng không kém. Vì đất nông nghiệp đơn thuần, người dân đang ở có thể thêm vài phòng cho khách thuê không sao nhưng muốn làm nhiều thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng, đánh giá tác động môi trường, lưu trú…” – ông Chánh nhấn mạnh.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, khẳng định xu hướng phát triển du lịch bằng hình thức làm homestay đã nở rộ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, những người làm du lịch dạng này thường tự phát, không quy hoạch hoặc không liên kết. Họ chỉ biết khai thác những tài nguyên thiên nhiên sẵn có mà không đầu tư chiều sâu, tạo ra hệ sinh thái hấp dẫn để kéo khách đến và quay lại. “Cách đây 1 tuần, tôi đã lên Đà Lạt tham quan cánh đồng cẩm tú cầu ở khu vực Cầu Đất, rất cảm động trước tấm lòng của chủ vườn hoa. Ban đầu chỉ vài trăm mét vuông trồng hoa bán tươi. Sau đó khách ghé qua chụp hình, càng ngày càng đông nên họ đã mở rộng, đến nay đã 4-5 ha. Thu mức phí 10.000 đồng/khách nhưng rất đông người đến. Chưa kể gần đó có khu đồi trà của Cầu Đất Farm, vì vậy mà khu vực này ngày càng đông du khách” – ông Dũng dẫn chứng về cách làm homestay của người dân Cầu Đất.