Đáng chú ý là phương án tăng vốn “khủng” của SAM từ 2.417 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng để đầu tư mua cổ phần các doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn; đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn khác; cơ cấu lại các khoản nợ và bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, mức giá tối thiểu là 10.000 đồng/cổ phiếu cao hơn khoảng 2.000 đồng so với thị giá hiện nay.
Rủi ro pha loãng
Cụ thể, SAM sẽ phát hành cổ phiếu thành 2 đợt. Đợt 1 phát hành hơn 7,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 3%, nguồn vốn được sử dụng để phát hành thêm từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017. Đợt 2 phát hành hơn 100,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá phát hành được xây dựng trên cơ sở xem xét giá trị sổ sách 1 cổ phiếu SAM tại thời điểm 31/12/2017 là 11.036 đồng và giá đóng cửa ngày 23/3/2018 của cổ phiếu SAM tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) là 7.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mức giá phát hành tối thiểu là 10.000 đồng.
Đây là đợt phát hành đáng chú ý không chỉ bởi quy mô hơn 1.000 tỷ đồng mà còn bởi giá phát hành tối thiếu 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 2.000 đồng so với giá cổ phiếu SAM đang được giao dịch trên thị trường. Vì vậy, các cổ đông hiện tại của SAM có thể tìm mua cổ phiếu trên sàn với mức giá dễ chịu hơn là tham gia chương trình phát hành thêm của Công ty.
Vài năm trở lại đây, những trường hợp tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá cao hơn thị giá (chủ yếu là do cổ phiếu được giao dịch thấp hơn mệnh giá) vẫn diễn ra thành công. Mặc dù sau khi rất ít cổ đông hiện hữu đăng ký mua, số lượng cổ phần còn lại luôn được HĐQT phân phối hết cho những cá nhân, tổ chức khác cũng theo mệnh giá.
Đợt tăng vốn gần đây nhất của SAM diễn ra vào quý III/2017, Công ty đã dùng toàn bộ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2016 để phát hành gần 62 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Việc này phần nào giải thích được kế hoạch chào bán hơn 100,9 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu lần này của SAM.
Với số lượng phát hành lớn trong ngắn hạn, SAM sẽ đối mặt với rủi ro pha loãng EPS khi tốc độ tăng của lợi nhuận chưa thể lập tức đuổi kịp tốc độ tăng vốn. Nếu đợt phát hành trên thành công, số lượng cổ phần lưu hành sẽ tăng thêm 44,7%, trong khi với giả định SAM hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2018, lợi nhuận của Công ty chỉ tăng thêm 26%.
Đơn vị tính: tỷ đồng
Lợi nhuận “trông vào” vào đầu tư tài chính
Năm 2017, tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính của SAM đạt 2.458 tỷ đồng, bằng 97,1% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 143 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch. Trong đó, hoạt động đầu tư tài chính đóng góp 77 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng lợi nhuận trước thuế năm 2017 của SAM; hoạt động kinh doanh dây và cáp mang về 68,4 tỷ đồng (đóng góp 48% tổng lợi nhuận trước thuế); hoạt động bất động sản lỗ 2,5 tỷ đồng.
Lợi nhuận hoạt động tài chính của SAM chủ yếu đến từ việc thoái vốn tại Công ty CP Bất động sản Hiệp Phú (ghi nhận mức lợi nhuận trên báo cáo hợp nhất hơn 90,7 tỷ đồng); chốt lời khoản đầu tư 14,5 triệu cổ phiếu VGC đem về khoản lợi nhuận trên 115 tỷ đồng; bên cạnh các khoản thoái vốn khỏi SHI, BHS, ACB, Công ty đã thực hiện đầu tư mới khi mua 11,8 triệu cổ phiếu DVN trị giá tới 283,6 tỷ đồng; hay 20,8 triệu cổ phiếu TTF trị giá 147 tỷ đồng; và 7,4 triệu cổ phiếu DXG trị giá 141,6 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán thăng hoa đang giúp SAM kiếm tiền từ lĩnh vực này. Tuy nhiên, chứng khoán cũng là lĩnh vực có độ rủi ro cao. Bằng chứng là lợi nhuận sau thuế các quý của SAM giai đoạn 2016 – 2017 luôn biến động cùng chiều với chênh lệch doanh thu và chi phí hoạt động tài chính.