Nhân sự mới, lợi nhuận giảm
Tại ĐHCĐ thường niên 2018 tổ chức ngày 21-7 vừa qua, cổ đông của SAB đã thông qua danh sách HĐQT mới nhiệm kỳ 2018-2023, gồm 7 thành viên. Trong đó ThaiBev có 3 thành viên. Tuy nhiên, ngồi “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT là Koh Poh Tiong.
Mới đây, HĐQT của SAB đã thông báo về bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2018-2023. Theo đó, ông Neo Gim Siong Bennett, Phó Tổng giám đốc, sẽ giữ chức Tổng giám đốc, là người đại diện theo pháp luật thứ 2 của SAB sau ông Koh Poh Tiong. Đồng thời, SAB cũng miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Thành Nam, người từng được Bộ Công Thương bổ nhiệm trước đó 1 năm.
Thay đổi đáng kể nhất tại SAB là Ban Kiểm soát sẽ được thay thế bởi Ban Kiểm toán nội bộ, nhằm phù hợp với các thực hành quản trị doanh nghiệp quốc tế. Mô hình này trước đây đã được Vinamilk (VNM) áp dụng. Theo điều lệ của công ty, Ban Kiểm toán nội bộ của SAB bao gồm ít nhất 3 thành viên, trong đó có không quá 1 thành viên điều hành.
Ban Kiểm toán nội bộ sẽ được đứng đầu bởi 1 thành viên HĐQT độc lập. Đáng chú ý, ông Pramoad Phornprapha (ThaiBev) là 1 trong 2 thành viên HĐQT độc lập của SAB, hiện cũng đang tham gia các ban kiểm toán nội bộ và ban quản trị doanh nghiệp của nhiều công ty khác.
Phát biểu tại ĐHCĐ, đại diện Ban lãnh đạo mới của SAB cho biết kế hoạch tung ra thương hiệu và sản phẩm mới trong tương lai. Theo đó, sản xuất, thu mua nguyên liệu và logistics là các hoạt động chủ chốt SAB có thể tối ưu hóa chi phí. Ban lãnh đạo mới sẽ tìm cách tích hợp vận hành giữa các công ty con để cải thiện, tăng hiệu quả hoạt động. Thí dụ, các hoạt động thu mua nguyên liệu sẽ được tập trung tại ThaiBev để có giá mua thấp hơn.
Một trong những ưu tiên chiến lược của Ban lãnh đạo là gia tăng thị phần của SAB tại khu vực thành thị, đặc biệt là TPHCM. SAB hiện đang có vị thế thống trị tại khu vực nông thôn nhưng ở khu vực thành thị chưa được như vậy. Do đó, Ban lãnh đạo mới bày tỏ quyết tâm đưa Bia Sài Gòn trở thành thương hiệu hàng đầu tại TPHCM.
Dù Ban lãnh đạo mới đã tỏ ra khá quyết tâm trong việc làm mới SAB, nhưng theo KQKD 6 tháng đầu năm 2018 vừa được công bố, lợi nhuận lại sụt giảm đáng kể. Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý II, doanh thu của SAB tăng 12% (đạt 9.170 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận sau thuế lại bất ngờ giảm 7% (đạt 1.223 tỷ đồng). Đáng chú ý, giá vốn hàng bán chiếm 7.073 tỷ đồng, kéo lãi gộp SAB còn 7.073 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 22,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức 26,5% cùng kỳ năm 2017.
Chưa có chiến lược rõ ràng
Nguyên nhân khiến lợi nhuận của SAB giảm được lý giải từ việc gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và giá nguyên liệu đầu vào. Theo thống kê, giá lúa mạch trung bình trong 5 tháng đầu năm đã tăng khoảng 38%. Do mạch nha (làm từ lúa mạch) chiếm khoảng 14% chi phí, nên việc giá lúa mạch tăng khiến chi phí sản xuất bia của SAB tăng khoảng 5%.
SAB đã chuyển một phần chi phí tăng lên này vào người tiêu dùng thông qua việc nâng giá bia. Chẳng hạn, 1 thùng bia 333 Export có giá bán lẻ ở thời điểm hiện nay khoảng 250.000 đồng/thùng, tăng 8% so với mức giá 230.000 đồng/thùng thời điểm tháng 3. Tuy nhiên, 5% giá tăng lên này xuất phát từ thuế TTĐB, nên mức tăng này không thể bù đắp cho phần chi phí sản xuất tăng 11% trong 6 tháng đầu năm.
Kết quả trên phần nào cho thấy SAB vẫn chưa có chiến lược rõ ràng, do việc chuyển giao quyền lực ở cấp quản lý không được suôn sẻ. Thực tế cho thấy, dù chính thức nắm 53,59% cổ phần của SAB thời điểm cuối năm 2017, nhưng đến ĐHCĐ vừa qua ThaiBev mới nắm được ghế chủ tịch HĐQT và ghế tổng giám đốc (từ ngày 1-8). Không những thế, SAB còn liên tục đón nhận những thông tin xấu liên quan đến các khoản đầu tư và thuế trước khi bị người Thái thâu tóm.
Cụ thể, trong tháng 4, Kiểm toán Nhà nước công bố kết luận yêu cầu SAB phải nộp khoản lợi nhuận 2.495 tỷ đồng còn lại sau phân phối về ngân sách nhà nước (chiếm 89,59% lợi nhuận còn lại). Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, SAB đã đầu tư lỗ gần 445 tỷ đồng khi rót vốn vào các lĩnh vực trái ngành như ngân hàng, CK, quỹ đầu tư tài chính. Trong đó có những khoản đầu tư phải trích lập 100% giá trị.
Trong 10 khoản đầu tư ngoài ngành, số tiền lớn rót vào DongABank đến nay cổ đông không được chuyển nhượng do ngân hàng này bị kiểm soát đặc biệt. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ vi phạm trong chi thưởng cho ban lãnh đạo Sabeco năm 2016, khi chi vượt mức Bộ Công Thương cho phép gần 13 tỷ đồng. Do vậy, cần phải có thêm thời gian để ban lãnh đạo với sự góp mặt của người Thái tạo nên dấu ấn.