Đồng USD đã tăng giá hơn 8% kể từ đầu năm đã đẩy đồng tiền của nhiều nền kinh tế mới nổi châu Á rớt mạnh và nếu lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ cùng đồng USD tiếp tục tăng lên có thể dẫn tới việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi các nền kinh tế này, buộc các nhà hoạch định chính sách phải tăng lãi suất để đối phó.
NHTW Ấn Độ là một ví dụ khi cơ quan này vừa phải tăng lãi suất lên cao nhất trong 2 năm qua để kiềm chế lạm phát và sự rớt giá của đồng nội tệ. Nhiều nền kinh tế mới nổi châu Á khác cũng trong tình cảnh này như Indonesia, Philippines…
Thế nhưng việc làm này lại khiến cho khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các nước này bị giảm sút trước Trung Quốc khi mà đồng nhân dân tệ đang trên đà giảm mạnh. Tính chung đồng nội tệ của Trung Quốc giảm gần 7% so với đồng bạc xanh kể từ tháng 6 và nhiều khả năng sẽ còn giảm thêm khi Trung Quốc đang có xu hướng nới lỏng hơn tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong một lưu ý ngày 1/8, Deutsche Bank AG cũng hạ dự báo về đồng nhân dân tệ xuống mức 6,95 nhân dân tệ/USD và 7,40 nhân dân tệ/USD vào cuối năm 2018 và 2019 tương ứng, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó là 6,80 và 7,20.
Đồng nhân dân tệ giảm mạnh đã làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến tiền tệ theo chân cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Thống đốc NHTW Ấn Độ Urjit Patel đã cảnh báo về nguy cơ này sau khi ông và các đồng nghiệp phải “miễn cưỡng” tăng lãi suất nhằm duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh rủi ro căng thẳng thương mại và tiền tệ toàn cầu đang có xu hướng tăng lên.
“Chúng tôi đã có một vài tháng hỗn loạn trước đó”, Patel nói với các phóng viên ở Mumbai hôm 1/8. “Điều này có khả năng tiếp tục và trong bao lâu, tôi không biết. Các cuộc giao tranh thương mại đã tiến triển thành các cuộc chiến tranh thuế quan và bây giờ chúng ta có thể bắt đầu cuộc chiến tranh tiền tệ”.
Giới chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo về rủi ro đối với các nền kinh tế mới nổi châu Á từ “cú sốc kép” là đồng nhân dân tệ giảm giá và đồng USD tăng giá này. Stephen Jen – Giám đốc điều hành của Eurizon SLJ Capital Ltd tại London cho biết, đối với các loại tiền tệ có lợi suất cao, sự kết hợp giữa sự giảm giá của đồng nội tệ Trung Quốc và việc Fed có thể đẩy nhanh tiến độ thắt chặt tiền tệ là không tốt.
Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia khi dự báo về tương lai của đồng nhân dân tệ.
Freya Beamish – Pantheon Macroeconomics Ltd:
Hiện thị trường vẫn tỏ ra bình tĩnh trước sự lao dốc của đồng nhân dân tệ. Cho đến nay, đồng nhân dân tệ chỉ đơn thuần là quay trở lại vị trí của nó vào đầu năm 2017. Năm ngoái là năm quan trọng về mặt chính trị (Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 – PV) để các nhà chức trách Trung Quốc phải kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy ra. Tuy nhiên giai đoạn này, căng thẳng thương mại đang giúp đồng nhân dân tệ suy yếu và chúng tôi đã thấy dòng vốn chảy ra bắt đầu tái xuất hiện.
Tuy nhiên, nếu ông Trump thực sự áp đặt mức thuế cao hơn, điều đó có thể làm giảm giá trị đồng nhân dân tệ. Nếu chúng ta quay trở lại nơi mà chúng ta đã đến vào cuối năm 2016, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ bắt đầu thấy các thị trường bên ngoài Trung Quốc phản ứng với sự giảm giá của đồng nhân dân tệ.
Chen Long – Gavekal Dragonomics:
Dự đoán tốt nhất của tôi là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hiện đang thử nghiệm cho phép cả tỷ giá giao ngay USD/CNY và chỉ số CFETS dao động trong phạm vi rộng hơn theo thời gian. Nói cách khác, PBoC cố ý giảm sự can thiệp vào thị trường tiền tệ của mình để “tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý” của họ trở nên ít được quản lý và được thả nổi hơn.
Thực tế, sự biến động trong 3 tháng qua của đồng nhân dân tệ đã trở nên rất giống với đồng yên cũng như các đồng tiền châu Á khác. Theo quan điểm của tôi, họ sẽ thay đổi lực lượng thị trường hơn là can thiệp chính thức làm thay đổi quỹ đạo của đồng nhân dân tệ.
Ngân hàng Deutsche:
“Chúng tôi đã dự đoán đồng nhân dân tệ suy yếu, nhưng tốc độ giảm giá là nhanh hơn dự kiến của chúng tôi”, các nhà kinh tế Zhiwei Zhang và Yi Xiong đã viết trong ghi chú. “PBoC có thể can thiệp để làm dịu đà giảm, nhưng chúng tôi nghi ngờ việc họ sẽ can thiệp mạnh để đảo ngược xu hướng giảm giá”.
Andy Wong – Pictet Asset Management:
Khi nền kinh tế tái cân bằng, Trung Quốc đang có nguy có thâm hụt tài khoản vãng lai. Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là liệu sẽ có kỳ vọng một chiều về sự suy giảm mạnh của đồng nhân dân tệ và điều đó sẽ gây tổn hại đến đầu tư tư nhân và tâm lý thị trường, chứ không phải là sự biến động hai chiều. Cho đến nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cho thấy không cần phải hoảng sợ.
Đối với tài sản rủi ro của các nền kinh tế mới nổi và phân bổ toàn cầu, chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải chọn lọc hơn và chọn lọc trên các lĩnh vực chứ không chỉ là khu vực. Ví dụ, gần đây chúng tôi đã thấy các luồng vốn chảy vào tài sản nợ của các nền kinh tế mới nổi một cách có chọn lọc dựa trên nền tảng của nền kinh tế.
Ian Hui – J.P. Morgan Asset Management:
Các vấn đề thương mại dường như không sớm nguội đi. Trung Quốc dường như sẵn sàng để cho tỷ giá nhân dân tệ được quyết định theo cơ chế thị trường, vì điều đó sẽ làm giảm một số áp lực đối với nền kinh tế thông qua xuất khẩu rẻ hơn. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc vẫn sẽ cảnh giác về việc cho phép đồng nhân dân tệ suy yếu quá mức, bởi điều đó có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra và ảnh hưởng tới ổn định tài chính.
Mặc dù đồng nhân dân tệ liên tục rớt giá trong thời gian gần đây, chúng tôi kỳ vọng PBoC sẽ có cách tiếp cận cân bằng hơn trong việc quản lý tiền tệ của mình để duy trì ổn định tài chính trong nước. Chúng tôi không dự đoán tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ sẽ rơi xuống dưới mức 7 nhân dân tệ/USD trong năm nay.