Huy động giảm, cho vay tăng
Liên quan đến huy động và cho vay ngoại tệ, theo số liệu mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối tháng 5 huy động VNĐ tăng 7,4%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%. Tuy nhiên, tín dụng bằng VNĐ chỉ tăng 5,6% trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng 8%.
Trên địa bàn TPHCM, theo số liệu của Cục Thống kê TP, tổng vốn huy động đến đầu tháng 6 đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 14,2% so với tháng cùng kỳ năm trước. Phân theo loại tiền gửi, vốn huy động VNĐ tăng 15,68%, vốn huy động bằng ngoại tệ tăng 3,19% so tháng cùng kỳ.
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến đầu tháng 6 đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 17,15% so với tháng cùng kỳ và tăng 7,01% so với tháng 12-2017. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng VNĐ đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 17,53% so với tháng cùng kỳ; dư nợ bằng ngoại tệ đạt 173.410 tỷ đồng, tăng 13,58% so với cùng kỳ.
`Có thể thấy, kể từ tháng 12-2015, khi NHNN giảm trần lãi suất tiền gửi USD tại các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài về mức tối đa 0%, huy động ngoại tệ liên tục duy trì mức thấp. Cuối năm 2016, huy động ngoại tệ toàn hệ thống giảm khoảng 7% so với cuối năm 2015 (năm 2015 tăng 14,3%) và chiếm khoảng 10,5% tổng vốn huy động.
Năm 2017, huy động ngoại tệ có tín hiệu khả quan hơn nhưng cũng chỉ tăng khoảng 4% so với cuối năm 2016 nhưng chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 9,5% trong tổng huy động. Ngược lại, nhu cầu vay ngoại tệ trong các năm qua vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, bởi NHNN vẫn liên tiếp gia hạn cho vay ngoại tệ nhằm hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh, đặc biệt là DN xuất khẩu.
Năm ngoái, tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm và cả năm tăng trưởng đến 18%. Tại thời điểm cuối tháng 6-2018, MB là NH hiếm hoi công bố số liệu về huy động và cho vay ngoại tệ cũng có diễn biến theo hướng tăng trưởng huy động thấp trong khi cho vay cao.
Cụ thể, vốn huy động bằng USD của NH này giảm 5,8% so với đầu năm, chiếm 10,8% huy động khách hàng, trong khi cho vay bằng USD và các ngoại tệ khác tăng 9,4% so với đầu năm, đóng góp 12,8% tổng dư nợ.
Cẩn trọng tránh cú sốc
Ngày 25-7, giá USD tại nhiều NHTM giảm mạnh so với mức giá niêm yết vào giờ mở cửa. Tuy nhiên, hầu hết mức giá mua bán đều trên 23.000 đồng. Cụ thể, Vietcombank niêm yết 23.170-23.250 đồng/USD, VietinBank 23.168-23.248 đồng/USD, BIDV 23.170-23.250 đồng/USD. Các NHTMCP mua vào 23.170-23.200 đồng/USD và bán ra 23.270-23.290 đồng/USD.
Như vậy, sau 2 ngày tăng nóng, khi NHNN tăng tỷ giá bán ra, tỷ giá đã giảm xuống. Đại diện NHNN cho biết sau khi NHNN niêm yết tỷ giá bán can thiệp ở mức 23.050 đồng/USD, tỷ giá trên thị trường diễn biến tương đối ổn định, chủ yếu quanh mức 23.040-23.050 đồng/USD.
NHNN đã đáp ứng toàn bộ nhu cầu đăng ký mua ngoại tệ của các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, cùng với các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác đã giúp tỷ giá và thị trường ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Việc NHNN niêm yết tỷ giá bán ngoại tệ ở mức 23.273 đồng/USD đã giúp tỷ giá diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý.
Tuy nhiên, một số tổ chức tài chính cho rằng việc NHNN ngưng bán ra USD với giá thấp có khả năng cơ quan này đang tính đến kịch bản đồng Nhân dân tệ có thể tiếp tục giảm giá thêm 1-2% nữa, nên chủ động đi trước để VNĐ giảm giá thêm khoảng 1%. Theo đó, dự báo tỷ giá tăng 1-2% trong năm 2018 đưa ra hồi đầu năm đã được điều chỉnh lên mức 3%.
Thực tế hiện nay, các DN thuộc diện được tiếp cận tín dụng ngoại tệ, vay USD có lợi hơn vay VNĐ. Thống kê của các NHTM cho biết, lãi suất cho vay USD hiện nay chỉ 1-5,3%, trong khi lãi suất vay VNĐ cao hơn khá nhiều. Tuy nhiên, rủi ro cho vay ngoại tệ luôn hiện hữu đối với các DN khi tỷ giá đứng trước nhiều áp lực tăng.
Một DN nhập khẩu hàng tiêu dùng cho biết khi tỷ giá ổn định, DN vay ngoại tệ được hưởng nhiều lợi ích vì có thể vay lãi suất thấp để thực hiện hợp đồng hoặc bán ngoại tệ thu về VNĐ, thực hiện mở rộng sản xuất kinh doanh với lãi suất vay rẻ hơn ít nhất 50% so với vay VNĐ. Tuy nhiên, khi tỷ giá biến động, các DN vay ngoại tệ đứng trước rủi ro lớn về việc trả nợ ngoại tệ.
Thông thường, các DN nhập khẩu không chủ động được nguồn thu ngoại tệ, nên đến khi đáo hạn, tỷ giá tăng cao sẽ phải mua USD của NH với giá cao để trả các khoản vay đó. Cụ thể, DN này vừa lỗ thêm 200 triệu đồng khi mua USD để trả món vay 1 triệu USD đến hạn do đợt tỷ giá tăng mạnh trong tháng 6.
Về vĩ mô, trong bối cảnh huy động USD thấp, việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mạnh có thể ảnh hưởng đến tỷ giá trong những tháng cuối năm nay, từ đó tạo thêm áp lực lên tỷ giá trong nước.