Trái ngược dự báo
Cuối tuần qua, MV Index Solutions, chỉ số cơ sở của VNM ETF, đã thông báo loại HAG và HSG (CTCP Tập đoàn Hoa Sen) ra khỏi danh mục trong đợt review lần thứ 2 của năm 2018. Việc VNM ETF loại HAG khiến giới đầu tư hết sức bất ngờ, bởi trước đó các chuyên gia CK dự báo quỹ ETF này chỉ loại 1 mã duy nhất là HSG.
Nguyên nhân do HSG đã giảm 50% kể từ thời điểm cuối tháng 2 đến nay, rơi ra ngoài top 98% về vốn hóa của rổ CP đạt yêu cầu của rổ chỉ số. Hiện HAG và HSG là 2 mã CP có tỷ trọng thấp nhất trong danh mục VNM ETF tại thời điểm 8-6 là 1,04% (tương đương 19,4 triệu CP) và 0,69% (tương đương 4,7 ttriệu CP).
Toàn bộ số CP này sẽ bị bán ra trong tuần này. Dù tuyên bố loại 2 mã CP ra khỏi chỉ số nhưng VNM ETF lại không thêm bất cứ mã CP Việt Nam nào. Tuy nhiên, quỹ ETF này sẽ thêm mã CP trên TTCK Hàn Quốc là 090460KQ (tỷ trọng 4,5%).
Theo thống kê, tỷ trọng CP Việt Nam hiện trong rổ VNM ETF là 72,93% và sau đợt xem sét lại này sẽ giảm xuống 71,5%. Số lượng CP Việt Nam cũng giảm xuống con số 17, trong đó những mã CP chiếm tỷ lớn nhất có thể nhắc đến như VNM (CTCP Sữa Việt Nam), VIC (CTCP Tập đoàn Vingroup), NVL (CTCP Đầu tư địa ốc Nova), MSN (CTCP Tập đoàn Masan), VCB (NHTMCP Ngoại thương Việt Nam), ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros), VRE (CTCP Vincom Retail).
Với kết quả review này, những mã CP được gia tăng tỷ trọng gồm ROS (mua thêm khoảng 7,5 triệu USD), NVL (5 triệu USD), VRE (4,47 triệu USD), VNM (2,86 triệu USD). Ngược lại, những CP bị giảm tỷ trọng trong đợt review gồm VIC (bán ra khoảng 10,39 triệu USD), MSN (2,23 triệu USD).
Trước đó 1 tuần, FTSE Vietnam Index, chỉ số cơ sở của quỹ FTSE Vietnam ETF (FTSE) cũng công bố danh mục review quý II. Theo đó, mã FLC (CTCP Tập đoàn FLC) là CP duy nhất bị loại do chỉ số vốn hóa tự do nhỏ hơn 0,5% tổng danh mục. Tương tự, VNM ETF, quỹ ETF này cũng không thêm bất cứ mã CP Việt Nam nào vào rổ chỉ số trong kỳ review quý II-2018.
Trước đó, giới phân tích dự đoán rất nhiều mã CP thỏa mãn tiêu chí của FTSE như: PXL (CTCP tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), KBC (CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc), PVD (TCTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí), HBC (CTCP tập đoàn Xây dựng Hòa Bình) và đặc biệt là PVS (TCTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí). Theo dự báo của các CTCK, PVS nhiều khả năng sẽ được thêm vào rổ chỉ số của FTSE do CP này thỏa mãn các tiêu chí vốn hóa, thanh khoản, freefloat, room NĐTNN còn lại. Thậm chí, có CTCK còn dự báo SHB (NHTMCP Sài Gòn Hà Nội) sẽ được thêm vào danh mục của VNM ETF với xác suất là 30% nếu có CP nước ngoài hoặc trong nước bị loại khỏi danh mục.
Thận trọng sóng ETF
Theo dự báo của giới phân tích, trong đợt review này, FTSE dự kiến sẽ bán ra từ 7-8 triệu CP FLC, 2,4 triệu CP VIC do vượt quá tỷ trọng tối đa 15%. Phía ngược lại, FTSE sẽ mua vào 4 triệu CP HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát) và 2,6 triệu CP NVL. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là dự báo, bởi thực tế các quỹ ETF chỉ mua hoặc bán trong ngày thực hiện review nên đó mới chính là thời điểm CP biến động khó lường.
Thế nhưng, điều này không có nghĩa NĐT cứ mua vào CP dự kiến được thêm vào là thắng, bởi mọi chuyện đều có thể thay đổi vào những phút cuối cùng của phiên giao dịch ngày 15-6. Đã từng có trường hợp quỹ ETF thay đổi CP được đưa vào rổ ngay phút 89, như BID (NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) cách đây 3 năm.
Trong kỳ review quý III-2015, ban đầu VNM ETF thông báo đưa BID vào rổ chỉ số, nhưng vài ngày sau lại điều chỉnh giữ nguyên tỷ trọng và cuối cùng tuyên bố loại khỏi rổ. Sự bất nhất của quỹ ETF này khiến nhiều NĐT chạy theo sóng ETF bị thiệt hại đáng kể. Ngay cả với các CTCK, dù nghiên cứu rất kỹ về rổ đầu tư của các quỹ ETF nhưng không có nghĩa dự báo của họ chính xác và thường không đồng nhất.
Theo kế hoạch, VNM ETF và FTSE Vietnam ETF sẽ hoàn tất việc cơ cấu danh mục trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 15-6. Như vậy, bên cạnh động thái của 2 quỹ ETF, các yếu tố có thể tác động mạnh tới diễn biến của VN Index trong tuần giao dịch này còn có kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), những thông tin sơ lược về triển vọng kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết.