Một đoàn công tác gồm 16 DN hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng đến từ Ấn Độ mới đây đã có cuộc gặp gỡ với các DN cùng ngành tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương. Trước đó, hàng loạt cuộc xúc tiến đầu tư cũng đã được tổ chức tại cả 2 quốc gia Việt Nam và Ấn Độ, trong đó gợi mở rất nhiều lĩnh vực mà DN 2 nước có thể bắt tay hợp tác. Những cuộc gặp gỡ ngày càng dày lên nhờ mối quan hệ chính trị, kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ đang tiếp tục được thắt chặt, đặc biệt sau các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao 2 nước vào đầu năm 2018.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về hoạt động thương mại, trong năm 2017 Ấn Độ xếp thứ 12 trong số hơn 200 đối tác thương mại của Việt Nam trên thế giới. Xét riêng trong châu Á, quốc gia này là đối tác lớn thứ 9 của Việt Nam.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa 2 quốc gia lên tới khoảng 40% ở cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Với triển vọng hợp tác còn rộng mở, ông Phòng bày tỏ hy vọng kim ngạch thương mại 2 chiều sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm 2020 như mục tiêu mà lãnh đạo hai nước đã đề ra nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang Ấn Độ vào đầu năm nay.
Đối với thu hút đầu tư, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, ông Parvathaneni Harish thông tin, hiện nay Ấn Độ đã thực thi nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các NĐT nước ngoài đến đầu tư, ví dụ như chính sách hoàn thuế 1,5% – 2% thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách ưu đãi về mặt bằng thuê đất trong 30 năm với các dự án đầu tư trị giá lớn hơn hoặc bằng 13 triệu USD…
Đánh giá về các cơ hội thương mại và đầu tư vào thị trường Ấn Độ, TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cho rằng, 2 nước có mối quan hệ hợp tác khá toàn diện và đặc biệt, nhưng riêng hợp tác kinh tế còn khiêm nhường. Hiện nay Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam ở một số lĩnh vực như sản xuất thép, dược…Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại, việc khai thác, hiểu biết thị trường giữa 2 nước chưa nhiều. Hiện hành lang pháp lý quan trọng nhất mà các DN 2 nước đang tận dụng để mở rộng giao thương là FTA ASEAN – Ấn Độ, còn khung khổ cao hơn là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) thì đang đàm phán.
Ông Thành cho rằng, Ấn Độ vẫn là quốc gia có mức độ tự do hoá, mở cửa còn thấp. “Đây mới là điều quan trọng nhất, thứ hai là tìm hiểu nhu cầu thị hiếu. Để khai thác thị trường này, trước mắt cần đẩy mạnh thương mại đã”, ông Thành nêu quan điểm.
Ở chiều ngược lại, tới nay Việt Nam vẫn đang kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới từ quốc gia Nam Á này, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng, giáo dục, công nghệ thông tin…Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay Ấn Độ là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung và Nam Á. Luỹ kế đến hết ngày 20/5/2018, Ấn Độ đã có 182 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn 816 triệu USD. Tuy nhiên với vị trí thứ 27 trên tổng số 127 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, vai trò và vị thế của Ấn Độ đối với thị trường Việt Nam dường như vẫn khá nhỏ. Mặc dù vậy, dòng vốn đầu tư từ Ấn Độ đang có khá nhiều lực đẩy để hướng tới Việt Nam.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Chính phủ nước này đã triển khai gói hỗ trợ 100 triệu USD cho các công ty Ấn Độ đầu tư vào các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, với trọng tâm là lĩnh vực dệt may tại Việt Nam. Ngoài ra, rất nhiều DN Ấn Độ bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư vào khu vực miền Trung trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng gió… với quy mô dự án lên tới hàng tỷ USD.