2 tháng đầu 2019, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến đà tăng trở lại sau khi VN-Index mất hơn 9% trong 2018. Tính tới 26/2, chỉ số sàn HoSE ở mức 987 điểm, tăng 10,6% so với đầu năm. Nhiều cổ phiếu lớn hồi phục như HPG tăng 33%, MBB tăng 13%, ACB tăng 5%…
Diễn biến tài sản ròng của các quỹ nội
Thị trường hồi phục không chỉ giúp các nhà đầu tư thu được lợi nhuận mà tài sản quản lý của các quỹ nội địa cũng tăng trở lại sau 1 năm đa phần đều thua lãi suất tiết kiệm. Thống kê của Bộ phận Phân tích Khối khách hàng cá nhân (SSI Retail Research) cho thấy tài sản ròng của 10 quỹ nội trên thị trường đều tăng từ tháng 1. Tuy nhiên một điểm nhận thấy là hầu hết các quỹ đều duy trì lượng tiền mặt lớn: VFMVF1 nắm giữ gần 30% tiền mặt, VFMVF4 nắm 15,5% tiền mặt, SCA nắm giữ 11,2%,MAFEQI nắm gần 10% tiền mặt, VCBF-BCF nắm 3,37% tiền mặt, VCBF-TBF nắm 22% tiền mặt.
Trong khi VN-Index tăng hơn 10% từ đầu năm, duy nhất quỹ ETF của SSI VNX50 chiến thắng thị trường.
Dẫn đầu nhóm nội địa là quỹ SSI VNX50 của CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI), mô phỏng chỉ số VNX50. Tính tới 22/2, tài sản ròng (NAV) của quỹ tăng gần 11,3%, là quỹ nội địa duy nhất chiến thắng Vn-Index tính đến thời điểm hiện tại, bỏ xa quỹ xếp thứ 2 là MAFEQI (tăng hơn 5,8%).
SSI VNX50 áp dụng chiến lược đầu tư thụ động với mục tiêu lợi nhuận bám sát tỷ lệ lợi nhuận của chỉ số VNX50 và không chủ động lựa chọn cổ phiếu dựa trên các nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô, phân tích ngành và phân tích công ty. Tùy vào từng thời điểm, quỹ sẽ áp dụng phương pháp đầu tư mô phỏng toàn bộ hoặc một phần rổ cổ phiếu VNX50 để giảm thiểu mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu.
Hết tháng 1, NAV của quỹ ở mức 119 tỷ đồng, tỷ trọng chính ở nhóm cổ phiếu VIC, VNM, VHM, MSN và VPB, chiếm 37,8% NAV. Quỹ giữ 0,4% tiền và tương đương tiền, giá trị hơn 476 triệu đồng.
Phân bổ tài sản của SSI VNX50
Theo ngành, cổ phiếu nhóm bất động sản chiếm 27% cơ cấu danh mục của SSI VNX50, trong khi nhóm tài chính chiếm 26,2%, theo sau là nhóm tiêu dùng thiết yếu 18,7% và công nghiệp 8,6%.
Một quỹ khác của SSI là SSI-SCA cũng ghi nhận mức tăng NAV gần 4% trong 2 tháng đầu năm. NAV/CCQ ở mức 18.115 đồng.
Đến hết tháng 1, tài sản ròng của SCA đạt 419 tỷ đồng, với tỷ trọng lớn nhất ở cổ phiếu HPG chiếm 10,43%, xếp sau là CTD chiếm 6,4%, MBB chiếm 5,65%, FPT chiếm 5,21% và DXG chiếm 4,93%.
Phân bổ tài sản của quỹ SSI-SCA
Tính đến 27/2, các cổ phiếu trong danh mục của quỹ đều tăng giá. Cổ phiếu HPG tăng 33%, cổ phiếu MBB tăng 14%… so với mức thấp nhất vào tháng 1.
Cổ phiếu nhóm công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của SSI-SCA với 21%, theo sau là nhóm tiều dùng không thiết yếu chiếm 17,3% và nhóm vật liệu chiếm 12,3%. Quỹ giữ tỷ trọng tiền mặt 11,2%, tương đương gần 47 tỷ đồng.
Đối với quỹ Đầu tư cổ phiếu Manulife (MAFEQI), xếp thứ 2 về tăng trưởng quỹ nội, tới hết tháng 1, tài sản ròng ở mức 175 tỷ đồng, tỷ trọng đầu tư lớn nhất nằm ở cổ phiếu VHM với 8,61%, theo sau là VNM chiếm 8,32% và VIC chiếm 6,81%. Quỹ giữ hơn 9,8% tiền và tương đương tiền giá trị 17 tỷ đồng. Trong năm ngoái, MAFEQI là một trong các quỹ lỗ nhiều nhất do tác động từ cổ phiếu VHM.
VFMVF4 – Quỹ Đầu tư Doanh nghiệp Hàng đầu Việt Nam và VFMVF1- Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam đứng thứ 3 và thứ 4 về tăng trưởng tài sản ròng từ đầu năm.
Đến 22/2, NAV của quỹ VFMVF4 tăng 5,42% so với đầu năm. Chiến lược của quỹ là đầu tư năng động vào các loại chứng khoán vốn của các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong các ngành cơ bản, chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam. Những cổ phiếu được lựa chọn nằm trong top 20 doanh nghiệp hàng đầu của ngành, lĩnh vực hoạt động.
Tổng tài sản đến cuối tháng 1 của VFMVF4 ở mức 943,35 tỷ đồng, tập trung chủ yếu là vào các cổ phiếu bán lẻ như MWG, PNJ, FPT, chiếm 19,5% NAV. Quỹ giữ tiền mặt ở mức 146 tỷ đồng, tương đương 15,5% NAV.
Xếp theo ngành, VFMVF4 đầu tư phần lớn vào nhóm ngân hàng tỷ trọng 22,6% và bất động sản chiếm 11,6%, cùng với bán lẻ 10,7%.
Phân bổ tài sản của quỹVFMVF4
Với VFMVF1, NAV tăng 5,39% so với đầu năm. Quỹ chủ yếu duy trì mục tiêu phân bổ đầu tư gồm 20% giá trị tài sản ròng vào chứng khoán nợ và tiền, và 80% vào chứng khoán vốn. Quỹ kết hợp chiến lược đầu tư tăng trưởng và chiến lược đầu tư giá trị nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào cổ phiếu các công ty có vốn hoá lớn và vừa, có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Phân bổ tài sản của quỹVFMVF1
Cuối tháng 1, NAV của quỹ ở mức 1.080 tỷ đồng, phân bổ 8,1% vào cổ phiếu MWG, 5,9% vào PNJ và 4,7% vào VHM. Nhóm 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất của quỹ chiếm 46% NAV. Tiền và tương đương tiền chiếm gần 30%, tương đương hơn 322 tỷ đồng.
Quỹ đang đầu tư phần lớn ở cổ phiếu nhóm ngân hàng với 22,2% NAV, theo sau là bất động sản và bán lẻ lần lượt 9,1% và 8,3%.
Các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng thuộc về VEOF, VCBF-BCF, VCB-TBF, ENF… Đứng cuối danh sách là Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Thịnh Vinawealth (VFF). Sau gần 2 tháng, tài sản ròng của quỹ tăng 1,6%. Quỹ phân bổ tối thiểu 80% tài sản vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chỉnh phủ bảo lãnh và giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng có mức tín nhiệm cao. NAV đến cuối tháng 1 ở mức 329 tỷ đồng.
Thống kê của SSI Retail Research cho thấy, VNM là cổ phiếu được nhiều quỹ sở hữu nhất, theo sau là PNJ, MBB và MWG.