Khi thị trường “đỏ lửa”
Từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến nhiều phiên giảm điểm VN-Index, sau khi chỉ số này tăng mạnh 50% trong năm 2017 và 19% trong quý I/2018. Cụ thể, trong tháng 4/2018, VN-Index giảm 9,84% rồi tiếp tục xu hướng này trong tháng 5, giảm tiếp 7,5% xuống mức 971,25 điểm ngày 31/5. Nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường đều bị bán ròng bởi khối ngoại lẫn nhà đầu tưnội.
Có ý kiến cho rằng, nhà đầu tư ngoại đang dần “quay lưng” với các thị trường cận biên như Việt Nam để trở về Mỹ, khi USD đang tăng giá và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh. Ngoài ra, khả năng bùng phát chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác, được cho là gây ảnh hưởng xấu đến triển vọng của chứng khoán Việt.
Tuy nhiên, nhiều quỹ đầu tư cho biết, việc thị trường giảm điểm mạnh trong 2 tháng qua một phần do các hoạt động chốt lời của nhà đầu tư, sau khi VN-Index tăng điểm từ năm 2017 sang quý I/2018. Dù tốc độ giảm điểm nhanh hơn so với kỳ vọng của khối ngoại, nhưng các quỹ này cho rằng, việc thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn là xu thế tất yếu.
“Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lẫn các chỉ số vĩ mô của Việt Nam đều ổn định. Các hoạt động chốt lời vừa qua đã giúp hạ chỉ số P/E của thị trường Việt Nam xuống dưới mức 20 lần, ngang bằng các thị trường khác trong khu vực sau thời gian tăng nóng”, báo cáo của Quỹ Vietnam Opportunity Fund thuộc VinaCapital ghi nhận.
Bà Maggie Yi, chuyên viên phân tích tại PYN Asia Research cho biết, các cuộc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) lớn gần đây của Vinhomes hay Techcombank có thể đã thu hút một phần dòng tiền ngoại khỏi các cổ phiếu niêm yết. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư vay margin bị bán giải chấp cổ phiếu cũng khiến thị trường giảm điểm mạnh hơn, gây hoang mang trong ngắn hạn. Chỉ trong 3 tuần từ ngày 7/5/2018 đến 28/5/2018, đã có tới 351 triệu USD cổ phiếu bị bán giải chấp trên thị trường, chiếm 9% giá trị giao dịch thời điểm này.
“Dù hoạt động giải chấp margin gần đây khiến thị trường Việt Nam chao đảo trong thời gian ngắn, song các cổ phiếu sẽ sớm trở lại giá trị nội tại, vì các nhà đầu tư giá trị vẫn chiếm ưu thế trên thị trường”, bà Maggie nhận định.
Cơ hội mua cổ phiếu giá tốt
Nhiều quỹ ngoại không giấu giếm ý định “săn” cổ phiếu giá rẻ khi thị trường Việt Nam đang giảm điểm mạnh. Theo Quỹ Duxton Asset Management, đang quản lý Quỹ Vietnam Phoenix Fund trị giá 204,8 triệu USD, xu hướng giảm điểm vừa qua khiến các cổ phiếu Việt trở nên rẻ hơn, đặc biệt là so với thời điểm đầu năm, khi thị trường vượt ngưỡng “đỉnh” 10 năm và đây là cơ hội rất tốt để mua vào. “Sau đợt giảm điểm, nhiều cổ phiếu Việt có định giá khá hấp dẫn trong mắt chúng tôi”, nhà đầu tư này cho biết.
Theo ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư của Dragon Capital, thời điểm thị trường giảm đến 30% chính là cơ hội tuyệt vời để gom cổ phiếu. Đà bán tháo đã chững lại và khi quỹ ngoại giảm bán ròng, thị trường sẽ từ từ hồi phục, áp lực bán giải chấp margin cũng sẽ giảm bớt.
Tương tự, trong bản báo cáo thị trường, VinaCapital nhận định, lo ngại về tranh chấp thương mại Mỹ – Trung có thể phần nào được giải tỏa khi nhà đầu tư thấy rằng, Việt Nam, với cương vị là “công xưởng sản xuất” mới của thế giới, nhiều khả năng sẽ được lợi từ một số cuộc tranh chấp thương mại.
Đại diện các quỹ ngoại cũng cho biết, việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng chưa có ảnh hưởng lớn tới Việt Nam. Theo quỹ đầu tư Thụy Điển FMG Fund, lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ mới chỉ tăng 3%, chưa đủ hấp dẫn để khiến các quỹ nước ngoài bán tháo tại các thị trường châu Á như Việt Nam và quay về Mỹ.
“Xét về lịch sử, mức tăng này chưa cao lắm, nên chúng tôi không cho rằng, nó sẽ có ảnh hưởng xấu tới Việt Nam. Chúng tôi rất vui khi thấy thị trường đang điều chỉnh và sẽ xem xét một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa trên thị trường Việt Nam”, quỹ này cho biết.