Lên buộc phải mua
Phiên 4-7, bất chấp việc VN Index phục hồi gần 9 điểm, xấp xỉ 1%, để tăng lên gần 915 điểm, nhưng NĐTNN lại đẩy mạnh bán ròng hơn 330 tỷ đồng tại sàn HOSE. Tính trong 2 phiên 3 và 4-7, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại đã lên đến hơn 880 tỷ đồng, tức hơn 40 triệu USD. Nếu thống kê từ tháng 5 “Sell in May” đến nay, số phiên bán ròng của NĐTNN áp đảo số phiên mua ròng.
Lượng mua ròng lớn trong quý I-2018, đặc biệt tại các giai đoạn VN Index, lần vượt mốc 1.100 điểm rồi 1.200 điểm, đã khiến tổng giá trị mua vào của khối ngoại vẫn cao hơn bán ra. Ngặt nỗi, cũng chính vì phải mua vào ở các ngưỡng điểm cao này các quỹ ngoại đã phải chịu cảnh thua lỗ.
Thống kê khoảng 10 quỹ có vốn trên 100 triệu USD đang tham gia TTCK Việt Nam, đã có 8 quỹ thua lỗ, dẫn đầu là VNM ETF với giá trị tài sản ròng (NAV) giảm khoảng 8,9%; tiếp đến là các quỹ như PYN Elite Fund giảm 5,9%, FTSE Vietnam ETF giảm 1,5%… Thoạt nhìn, những con số này có vẻ không đến nỗi nào khi mức độ giảm hầu như thấp hơn ngưỡng điểm của thị trường chung.
Tuy nhiên, nếu tham chiếu với NAV của các quỹ cuối quý II với thời điểm cuối quý I sẽ thấy sự sụt giảm mạnh mẽ hơn. Nếu như quý I-2018, các quỹ lãi đậm bao nhiêu thì quý II lại “bào” sạch bấy nhiêu. Tính riêng trong quý II, VN Index giảm 18,19% và trở thành quý có diễn biến tồi tệ nhất với TTCK tính từ quý I-2008 (giảm gần 31%).
Thực ra, nếu soi danh mục của các quỹ tính theo ngày, đặc biệt trong những phiên đỏ lửa như 2 và 3-7, VN Index thậm chí còn giảm sâu hơn. Thị trường chung giảm 18%, giả định một quỹ nào đó chỉ giảm tốc độ bằng phân nửa so với thị trường chung cũng đã lên đến hơn 9%, trong khi đó với các quỹ đầu tư, chỉ cần tài sản “bốc hơi” khoảng 5% cũng đã được xem là đáng kể.
Trong số 20 CP tác động nhiều nhất đến VN Index trong quý II có 1/3 (tức 7 CP) thuộc về nhóm ngành ngân hàng. Nhóm này cũng đồng thời là nhóm CP chủ lực về thanh khoản, được cả NĐTNN lẫn trong nước mua vào rất nhiều. Nhưng cũng chính ngân hàng là một trong những nhóm CP giảm mạnh nhất trong quý II với những cái tên như VCB, CTG, BID, VPB… và “bào” NAV của các quỹ đầu tư một cách nhanh chóng nhất.
Khi thị trường tăng, các quỹ buộc phải mua vào những CP có tính thị trường để mô phỏng danh mục sao cho VN Index tăng, kéo theo NAV của quỹ cũng tăng. Nhưng muốn NAV tăng nhanh, số lượng CP sẽ phải lớn và theo chiều ngược lại đến khi CP ngành ngân hàng, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục các quỹ đảo chiều, thiệt hại cũng có thể nhanh hơn thị trường.
Xuống lại khó bán
Có một thực tế là khi một CP chủ chốt lao dốc, thường không quá khó để ước lượng mức độ thiệt hại, do các quỹ thường xuyên công bố NAV cũng như tỷ trọng từng CP trong danh mục. Tuy nhiên, ở cương vị của các quỹ, hành động thường sẽ khác với các NĐT cá nhân. NĐT cá nhân có thể cắt nếu lỗ, thậm chí bán đáy.
Trong khi đó, với các quỹ việc này gần như không thể, CP càng giảm mạnh thậm chí quỹ càng phải chịu trận. VHC là một trong những CP có tốc độ tăng giá mạnh nhất từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4, khi từ 5.0 đã tăng lên khoảng 7.7, tức tăng khoảng 1,5 lần. Trong giai đoạn VHC tăng giá cũng ghi nhận lượng mua vào cực lớn của khối ngoại, đặc biệt, khi VHC tăng vượt mốc 6.0 lượng mua vào của khối ngoại liên tục tăng.
Đến khi CP này điều chỉnh giảm trở lại và xuống 5.0 vào cuối tháng 5, mặc dù lượng bán ròng của khối ngoại xuất hiện, nhưng nếu tính toán một cách chi li vẫn thấp hơn so với lượng mua ròng của khối ngoại trước đó.
Trong suốt cả tháng 6, khi diễn biến của VHC có những phiên tích cực, khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng CP này.
Việc thấy giảm không bán của khối ngoại đến từ 3 nguyên nhân cơ bản: Thứ nhất, các quỹ với tầm nhìn tính theo năm của mình sẵn sàng “chịu trận” trong ngắn hạn bất chấp CP lao dốc quá gắt. Trong thực tế, lý do này không phải lúc nào cũng chính xác và dù miệng nói vẫn chỉ quan tâm đến dài hạn nhưng trong lòng vẫn như lửa đốt.
Thứ hai, việc các quỹ ngoại bán ra liên tục với số lượng lớn có thể khiến giá giảm thậm chí còn giảm hơn. Trừ những trường hợp CP phát ra tín hiệu bất thường, sẽ khó có chuyện các quỹ ngoại tìm cách chạy bằng mọi giá theo kiểu NĐT cá nhân. Nhưng cũng cần lưu ý đến nguyên nhân thứ 3, đó là việc các quỹ khi nắm giữ CP đến khi giảm mạnh khoảng 20% thường không dám bán vì sợ… bán đáy.
Tất nhiên với nguyên tắc, CP giảm mạnh có thể phục hồi mạnh, nếu muốn bán đợi thị trường hồi phục rồi bán, nhưng giảm thế nào là mạnh và khi nào bật trong những phiên đỏ lửa đôi khi lại nằm ngoài tầm kiểm soát của các quỹ. Đó còn chưa kể đến việc các quỹ khi phải bán đáy cũng gián tiếp thừa nhận sai lầm của mình và đây lại là điều không ai mong muốn.
Cũng chính vì điều này, sẽ không ngạc nhiên khi thị trường tăng, NĐTNN vẫn bán ròng. Lúc này cũng cần phải bóc tách động thái của NĐTNN, việc bán ròng tại một số CP với lý do có thể cắt lỗ, hoặc chuyển danh mục đầu tư. Thị trường sau một đợt điều chỉnh sẽ có tác dụng “tái định giá” cho CP.
Theo đó, những CP nào với giá quá cao có thể khiến dòng tiền dịch chuyển sang những CP định giá hấp dẫn, giàu tiềm năng, đặc biệt khi mùa BCTC quý II-2018 đang đến gần. Và nhiều khả năng những phiên bán ròng-mua ròng đan xen sẽ còn xuất hiện nhiều trong tháng 7 bất chấp diễn biến tăng giảm của TTCK.