Thực tế từ 1/1/2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực thi hành quy định về nguồn lực, trách nhiệm hỗ trợ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, với câu hỏi nếu doanh nghiệp có ý tưởng, họ có thể tìm vốn ở đâu để thử sức thì hiện chưa rõ cách nào.
Doanh nghiệp lớn gọi vốn cũng khó
Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên TTCK là kênh lý tưởng mà các doanh nghiệp muốn thực hiện, vì nó cung cấp một dòng vốn dài hạn, ổn định và đặc biệt là không phải chịu áp lực trả lãi, trả vốn, mà chủ doanh nghiệp chỉ phải chịu áp lực trả cổ tức.
Tuy nhiên, dù Chính phủ rất muốn TTCK có vai trò là kênh dẫn vốn, huy động vốn dài hạn chủ lực cho doanh nghiệp, nhưng vì nhiều yếu tố (TTCK còn non trẻ, sức khỏe doanh nghiệp chưa vững, thiếu nhà đầu tư chuyên nghiệp…), lượng vốn doanh nghiệp huy động được trên TTCK còn hạn chế, chỉ khoảng vài chục nghìn tỷ đồng/năm.
Chủ thể chính gọi vốn qua TTCK là Chính phủ với công cụ huy động qua trái phiếu chính phủ (chiếm 70 – 80% tổng vốn huy động). Cơ hội gọi vốn qua TTCK chưa đến với nhiều doanh nghiệp và vì thế, kênh ngân hàng vẫn đang là nguồn chính cung cấp vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cảm nhận về kênh dẫn vốn ngân hàng, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các ngân hàng chưa đồng hành với doanh nghiệp như những nhà đầu tư thực sự, mà vẫn cư xử với doanh nghiệp như “tiệm cầm đồ”.
Việc chưa có thị trường vốn lành mạnh khiến quan hệ vay mượn bị phụ thuộc rất nhiều vào tài sản thế chấp. Bản thân các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ luôn đứng giữa sự lựa chọn khó khăn: Vừa cần thúc đẩy tín dụng để tạo nguồn thu, vừa phải làm sao để bảo toản vốn và sinh lợi đồng vốn.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ phải làm sao gọi vốn?
Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: tín dụng có hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước/nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước/nguồn vốn hỗ trợ từ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất/nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Tại Việt Nam, năm 2017, Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô 2.000 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, quý I/2018, Quỹ này công bố tạm dừng hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến khi Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành luật nói trên.
Trong cuộc họp mới đây với các bộ, ngành, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành vào cuối quý III/2018.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có phương án hiệu quả, đảm bảo vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án có cơ hội được vay vốn. Nguồn vốn cho quỹ này có quy mô 2.000 tỷ đồng, cũng không lớn để chờ đợi sự hỗ trợ trên diện rộng.
Khích lệ tinh thần khởi nghiệp, Việt Nam hướng tới mốc 1 triệu doanh nghiệp được thành lập vào năm 2020. Tuy nhiên, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đặt câu hỏi: 1 triệu doanh nghiệp để làm gì nếu doanh nghiệp được sinh ra, nhưng không lớn lên?
Theo TS. Hồ, “mạch máu vốn” cần chảy thông suốt và hỗ trợ các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế như Vingroup, Hòa Phát, Vinamilk, Tân Hiệp Phát… làm trụ cột, các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm mắt xích, vệ tinh, mới mong nền kinh tế phát triển và đi lên.
Trong việc đi tìm lời giải cho bài toán vốn của doanh nghiệp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, dự kiến tháng 9 tới, Ủy ban sẽ tổ chức cuộc sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 42/QH/2017 về xử lý nợ xấu.
Trước tình trạng nhiều khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo nhưng không xử lý được, ông Kiên cho rằng, sẽ đề xuất xây dựng mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm, mua lại các khoản nợ xấu và tìm cách xử lý nợ theo cơ chế thị trường.
Theo ông Kiên, nếu có quỹ đầu tư mạo hiểm, khả năng dòng vốn chảy từ ngân hàng đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ sẽ dễ dàng hơn, bởi phía sau ngân hàng là các quỹ sẽ lo tiếp phần bán nợ đọng.