Những doanh nghiệp báo lãi đột biến
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của CTCP Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức (TMC), hầu hết các chỉ tiêu tài chính trong quý đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận tăng 166% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Thành viên Hội đồng quản trị TMC cho biết, lợi nhuận sau thuế quý II/2018 tăng đột biến chủ yếu nhờ việc chuyển nhượng dự án Cụm chung cư Timexco tại phường Linh Trung (quận Thủ Đức, TP.HCM).
Cụ thể, TMC ghi nhận lãi 12,5 tỷ đồng từ việc bán dự án này, nâng tổng mức lợi nhuận quý II đạt 15,6 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,6 tỷ đồng. Doanh thu quý II đạt 702 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó nguồn thu từ việc làm tổng đại lý bán lẻ xăng dầu đóng góp hơn 575 tỷ đồng.
Cũng theo ông Bình, nửa đầu năm, TMC đã hoàn thành vượt mức 12% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2018. Với khoản lợi nhuận bất thường trên, Công ty sẽ dùng một phần để chia cổ tức.
Quý II vừa qua, Tổng CTCP Đường sông Miền Nam – Sowatco (SWC) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong kỳ, doanh thu thuần đạt gần 58,37 tỷ đồng, tăng 44,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 27,72 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 27,65 tỷ đồng.
CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) cũng ghi nhận lợi nhuận đột biến từ thanh lý tài sản dù doanh thu quý II/2018 của PHR đạt hơn 178 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Theo báo cáo tài chính quý II/2018 của PHR vừa công bố, nguồn thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận của PHR.
Công ty đã thực hiện thanh lý một số máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và vườn cây cao su ghi nhận doanh thu hơn 192 tỷ đồng. Lợi nhuận khác kỳ này đóng góp 118 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2018 của PHR đạt gần 103,7 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ.
Áp lực tăng trưởng
Những doanh nghiệp đạt lợi nhuận đột biến tại một thời điểm nhất định sẽ đối mặt với áp lực tăng trưởng trong những quý tiếp theo, khi không còn nguồn thu bất thường. Bởi đối với cổ đông, việc so sánh con số lợi nhuận của doanh nghiệp kỳ này với cùng kỳ năm trước rất có ý nghĩa trong việc đánh giá mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều này cũng tùy thuộc vào đặc thù hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử như đối với một số doanh nghiệp bất động sản, ngoài yếu tố thị trường khởi sắc, giao dịch thuận lợi, dòng tiền dồi dào hơn, các doanh nghiệp này được kỳ vọng lợi nhuận nửa đầu năm, cũng như lợi nhuận cả năm 2018 sẽ đạt khá cao.
Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của DIC Corp – Công ty mẹ đạt 817 tỷ đồng, đạt 52,8% kế hoạch năm và tăng 154% so vời cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế dự kiến là 150 tỷ đồng.
DIG đặt mục tiêu nửa cuối năm 2018 sẽ đạt doanh thu 1.483 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DIG tiếp tục thoái các khoản đầu tư tài chính, dự án cấp II và thu tiền bán hàng dự kiến mang về 3.500 tỷ đồng cho Công ty.
Hay như tại CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG), năm 2018, HDG đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh tất cả các chỉ tiêu kinh doanh, trong đó doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến lần lượt là 4.301,9 tỷ đồng và 733,8 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 84% về doanh thu và 169% về lợi nhuận. Hội đồng quản trị cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 gần 900 tỷ đồng, tăng trưởng 163% so với năm 2017.
Ông Nguyễn Văn Đông, Tổng giám đốc HDG cho biết, trong năm 2018, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện dự án HaDo Centrosa Garden để bàn giao cho khách hàng, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai 4 dự án bất động sản quy mô lớn khác như dự án HaDo Dragon City có quy mô 30 ha, nằm trên trục Đại lộ Thăng Long; Dự án HaDo Green Lane tọa lạc tại Trung tâm quận 8, TP.HCM…, nhưng nguồn thu năm 2018 chủ yếu vẫn đến từ dự án HaDo Centrosa.
Cổ đông hẳn sẽ rất vui với con số lợi nhuận đột biến của doanh nghiệp, nhưng cũng sẽ có chút băn khoăn sẽ làm gì để duy trì dòng lợi nhuận ấn tượng này?