Mặc dù biên lợi nhuận gộp được cải thiện song vẫn không đủ để bù chi phí hoạt động trong kỳ của Tổng công ty. Kết thúc quý I/2018, Tổng công ty báo lỗ 776,9 triệu đồng.
Hiệu quả kinh doanh liên tục sụt giảm
Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn ra đời cuối năm 2003 trên cơ sở tổ chức lại các doanh nghiệp được tách từ Sở Văn hóa và Thông tin TP. Hồ Chí Minh. Tổng công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con từ năm 2010, tập trung vào các lĩnh vực in ấn, vật tư – thiết bị ngành in, điện ảnh, sản xuất – kinh doanh chương trình băng đĩa nhạc…
Là doanh nghiệp nhà nước với nhiều lợi thế cạnh tranh, song hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty luôn ở mức thấp. Doanh thu thuần sụt giảm ở mức bình quân gần 10%/năm, lợi nhuận gộp không đủ bù đắp chi phí hoạt động kinh doanh. Cụ thể, với doanh thu thuần 3 năm gần nhất từ 2015 – 2017 lần lượt là 418,53 tỷ đồng, 405,08 tỷ đồng và 348,49 tỷ đồng, lợi nhuận gộp bình quân của Tổng công ty ở mức dưới 70 tỷ đồng hàng năm, trong khi tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý bình quân hàng năm dao động ở mức 85 – 90 tỷ đồng. Về cơ bản, giai đoạn 2015 – 2017, Tổng công ty ghi nhận lãi ròng với sự đóng góp lớn từ các nguồn thu nhập khác hoặc cổ tức được chia từ công ty liên doanh, liên kết. Đối với hoạt động kinh doanh chính, Tổng công ty vẫn chịu thua lỗ.
Thoái vốn tại hàng loạt công ty trước cổ phần hóa công ty mẹ
Ngày 16/5/2015, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn được thành lập theo Quyết định số 5122/QĐ-UBND. Đến ngày 2/6/2016 chính thức lựa chọn Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á là đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho Tổng công ty. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, lộ trình cổ phần hóa vẫn đang dừng ở bước xác định giá trị doanh nghiệp. Lý do của sự chậm trễ này chưa được Tổng công ty công bố chi tiết.
Ở một khía cạnh khác, Tổng công ty lại rất tích cực trong việc thoái vốn tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Cụ thể, trong năm 2017 Tổng công ty đã thoái vốn toàn bộ tại các công ty như: Công ty CP Nhiếp ảnh và Dịch vụ văn hóa TP.HCM; Công ty CP In và Thương mại Vina; Công ty CP Văn hóa tổng hợp Hưng Phú; Công ty CP Cơ khí ngành in; Công ty CP In Khánh Hội; Công ty CP Thương mại – Dịch vụ – Văn hóa Thanh Trúc; Công ty CP Sách – Thiết bị Bến Tre. Các công ty khác theo văn bản sắp xếp doanh nghiệp mới nhất được công bố thì hiện tại sẽ giữ nguyên tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.
Theo nhiều chuyên gia, với những doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả kinh doanh ở mức thấp nhưng lại có nhiều lợi thế về công ty liên doanh, liên kết như Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, thì việc thoái vốn hàng loạt tại các công ty liên doanh, liên kết hay tại các công ty con trước khi chào bán cổ phần lần đầu (IPO) công ty mẹ sẽ làm giảm tính hấp dẫn của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư. Điều này có thể khiến cho quá trình thoái vốn của Nhà nước không thu được kết quả như mong muốn.